Nhà văn Bích Thủy vừa ra mắt tiểu thuyết Đáy giếng. Đây là tiểu thuyết thứ ba của Bích Thủy sau Đồi cát bay (2014) và Tiếng sáo lạc (2015).
Đáy giếng lấy bối cảnh là nhà máy rượu Vodaco - nơi minh chứng rõ nét cho một nền kinh tế đi từ bao cấp đến thị trường với đầy gian manh, lừa lọc, trì trệ... Không gian được miêu tả chật chội, cũ kỹ, thiếu ánh sáng... hoàn hảo cho một đời sống xã hội thu nhỏ với đầy sự rã mục.
Tiểu thuyết bắt đầu với một cuộc họp kiểm điểm của nhà máy cho một vấn đề "rất nghiêm trọng" và "sai quy trình" - những cụm từ được các nhân vật nhắc đi nhắc lại trong cuộc họp. Đó là khi một cán bộ trong công ty trích tiền cá nhân để ứng trước ba tháng lương bị chậm cho một nhân viên ở Sơn La vì người này có con đi cấp cứu. 20 trang đầu tiểu thuyết bày ra tất cả sự hài hước, ngu muội và bảo thủ của những kẻ lãnh đạo nhà máy khi phân tích để kiểm điểm cán bộ của mình. Những lý lẽ như động cơ việc cho ứng lương, tại sao lương năm triệu ba mà lại cho ứng có năm triệu, có âm mưu nào đằng sau việc này được phân tích một cách hùng hồn, căng thẳng, mất cả một ngày khiến người đọc phần nào cảm nhận được sự khôi hài trong tình huống cũng như tính cách nhân vật.
Từ câu chuyện đó, cả xã hội thu nhỏ trong Đáy giếng dần hiện ra.
Có mặt tại buổi ra mắt sách vào chiều 12/4 tại Hà Nội, nhà văn Chu Lai đánh giá tác phẩm cuốn hút không phải bởi nội lực văn chương mà bởi vấn đề được đề cập. Ông cho rằng văn học Việt Nam đương đại đã viết nhiều về chiến tranh, thấu hiểu về nông thôn, phố phường nhưng đây là cuốn sách hiếm hoi viết về kinh tế, về trò chơi của doanh nghiệp và những trò vè của các cá nhân trong đó.
Nhà văn Chu Lai tin rằng nếu không sống, thấu hiểu những câu chuyện đó thì Bích Thủy không thể nào viết được. Theo ông, viết lách giống như những tế bào ung thư ở trong lòng đùn ra qua con chữ và Bích Thủy viết không phải như sự vỗ tay khoái trá trên khuyết điểm của người khác mà là sự xa xót rất nhân văn. "Đáy giếng ấy là đáy giếng của xã hội. Nó là nơi tỏa ra âm khí của một thời kỳ xã hội dang dở, đầy u uẩn, trần trụi, bức bách, nhân cách con người bị nhào nặn và họ tồn tại bằng giá trị giả của đạo đức", Chu Lai nói.
Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét Bích Thủy đã làm đúng quy luật của tiểu thuyết là trình bày trực tiếp cuộc sống. Ông đánh giá cao lối kể chuyện nhẩn nha, đủng đỉnh cùng những đối thoại nhiều và sống động.
Bích Thủy cũng được đánh giá cao trong xây dựng nhân vật điển hình. Nhà phê bình Văn Chinh cho rằng Bích Thủy đã dày công xây dựng nhân vật Hách Vuông - một bà kế toán trưởng với cái mặt vuông phì phị, với tính cách hách dịch, cửa quyền, tư lợi và mưu mô. Nhân vật thành công đến nỗi nhà văn Di Li cho biết chị đọc đến đâu có thể cảm nhận được nhân vật ấy như đang đi đứng trước mặt mình.
Nhân vật giám đốc Phương vốn là người tốt nhưng dần biến chất. Nhà văn Bích Thủy cho biết chị đau đớn khi phải làm cho nhân vật hư hỏng bởi Phương là nhân vật ít nhiều gắn với thời tuổi thơ đói nghèo của chị. Tuy nhiên, nhân vật buộc phải sống đời của họ. "Hệ thống đẻ ra những con người tha hóa và chính những con người tha hóa lại quay lại bảo vệ cho hệ thống đó", Bích Thủy nói về mục đích xây dựng nhân vật Phương.
Tác phẩm được Bích Thủy viết trong bảy tháng. Chị quan niệm nếu trong đầu đã có một câu chuyện thế nào cũng phải bung ra. "Tôi thích dùng ngôn ngữ để vẽ ra một bức tranh. Khi viết tôi thấy mọi thứ như một bức tranh và phải làm thế nào để cho mọi người cùng nhìn thấy được bức tranh đó", nhà văn chia sẻ.
Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, tốt nghiệp cử nhân văn chương và tiếng Nga tại Đại học Ghecsen Leningrad (Saint Petersburg), Nga, cử nhân tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 1986 đến 2000, chị là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 2000 đến nay, chị làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện Bích Thủy là quản trị viên cao cấp tại một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội.
Di Ca