Theo Ancient Origins, bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" hay "tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh" là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 12. Nó mô tả cảnh quan bên trong và bên ngoài kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong, tỉnh Hà Nam ngày nay) dưới triều đại nhà Tống, trong suốt dịp lễ hội tiết Thanh minh.
"Thanh minh thượng hà đồ" còn được mệnh danh là "Mona Lisa của Trung Quốc". Công chúng hiếm khi được chiêm ngưỡng tranh thật, mà chỉ được nhìn thấy tranh sao chép, vì bản gốc rất quý giá. Lần gần nhất bức tranh được triển lãm cách đây hơn 10 năm, vào năm 2002 tại Thượng Hải.
Từ 8/9, người dân Bắc Kinh đã xếp hàng 6 giờ ngoài khu di tích Cố Cung để được vào xem bản gốc. Bức họa sẽ được trưng bày đến 12/10.
Trương Trạch Đoan (1085-1145) là người đã vẽ tác phẩm trên một cuộn giấy dài, với chiều cao 24,8 cm, dài 5,29 mét. Người xem phải thưởng thức từ phải sang trái.
Bức tranh phác họa hình ảnh con người, động vật, con sông, tàu thuyền và các ngôi nhà ở nông thôn, vùng ngoại ô và trung tâm thành phố. Nó giống như một bức ảnh chụp khoảnh khắc nhộn nhịp của thành phố trong dịp lễ hội.
Theo Bảo tàng trực tuyến Trung Quốc, từ "thanh minh" được dịch là "trong sạch-sáng sủa". Tuy nhiên, giáo sư Valerie Hansen thuộc Đại học Yale (Mỹ) nói rằng, một cách dịch khác của từ "thanh minh" là "hòa bình và trật tự". Vì vậy, tiêu đề của bức tranh cũng đồng nghĩa với "hoà bình ngự trị trên khắp dòng sông".
"Thanh minh thượng hà đồ" khi mở ra sẽ bao gồm ba khu vực chính: vùng nông thôn nằm ở phía bên phải, việc kinh doanh và các hoạt động khác ở giữa, tiếp đến là khung cảnh dòng sông, đường giao thông, cây cầu bắc qua dòng sông. Xa hơn về phía bên trái là cảnh thành phố nhộn nhịp cũng như cổng ra vào.
Khu vực nông thôn có một cây cầu nhỏ, dòng suối, cánh đồng hoa màu và những người thôn quê (người chăn nuôi lợn, người chăn dê, nông dân). Ngoài ra cũng có một con đường dẫn vào trung tâm thành phố, nơi xuất hiện nhiều ngôi nhà và dân cư trở nên đông đúc hơn.
Khi nhìn toàn cảnh vào thành phố, chúng ta sẽ thấy một con sông lớn, tàu thuyền qua lại tấp nập từ đầu thị trấn cho đến các đường phố chính và cửa khẩu. Cửa hàng kinh doanh bán nhiều loại hàng hóa bao gồm: thực phẩm, rượu vang, đồ nấu nướng, dụng cụ âm nhạc, vàng bạc, đèn lồng. Ngoài ra họ cũng bán cung và mũi tên, đồ trang trí, tranh vẽ, thuốc, kim, vải nhuộm.
Phần nổi bật nhất của bức tranh ở gần trung tâm, nơi có một chiếc cầu trải dài qua sông và mọi người đang di chuyển phía trên. Một số người đứng ở trên cầu đang ra hiệu vì lo ngại rằng con thuyền với cột buồm lớn có thể va chạm với cây cầu.
Khu vực bên trái của bức tranh là thành phố với chiếc cổng ra vào. Tại đây có nhiều cửa hàng, cơ quan thu thuế và người dân đang chất hàng hóa lên thuyền. Mọi người trông có vẻ rất bận rộn. Họ đang đi bộ, đứng trên đường phố, gánh theo những chiếc giỏ trên vai, hoặc sử dụng con vật như lạc đà, lừa để vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, trên đường còn có xe bò, xe ngựa. Các tòa nhà cũng rất đa dạng, từ những túp lều đơn giản cho đến khu nhà lớn như đền chùa, khách sạn và tòa nhà hành chính.
Theo Women of China, Bảo tàng Cố Cung dự định sẽ trưng bày bản gốc của bức họa lần tiếp năm 2020.
Lê Hùng