Vợ chồng cô giáo trẻ cùng bố mẹ trong lễ thành hôn. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Gửi hai bên bố mẹ, những người yêu thương nhất của con!
Còn nhớ Tết năm trước, khi chồng con quay webcam chiếu cảnh bố mẹ đang tất bật chuẩn bị cúng giao thừa ở nhà thế nào, con đã bật khóc như một đứa trẻ để rồi chồng con phải lo dỗ dành, an ủi con, mà chẳng giúp bố mẹ được gì. Một năm trôi qua, con vẫn một mình trên cái đất Tokyo phồn hoa đô hội này, để rồi Tết năm nay, con lại đón Tết qua webcam với nhà mình.
Cứ ngỡ rằng ngần ấy thời gian là đủ dài để con có thể thấy nơi này thân thuộc hơn với mình. Nhưng trái lại, cho dù Tết năm nay, con có đủ đầy hơn năm ngoái với các loại ô mai, mứt tết, cả bánh chưng, giò lụa và canh măng nữa nhưng chỉ một thứ duy nhất thiếu khiến con thấy mình vẫn thật cô đơn, đó là gia đình ở bên.
Nhưng cũng chính lúc này đây, khi thật xa mọi người thì con lại nhận ra rằng con thật gần mọi người, bởi con biết mọi người luôn dõi theo từng bước con đi cũng như cái cách con vẫn dõi theo mọi người ở nhà.
Con nhớ lắm những mùa đông Hà Nội, trời không có tuyết như bên này, nhưng cái lạnh thấm qua da đến buốt xương và từng cơn gió thổi đến rùng mình, mẹ của con ngày ngày vẫn dậy sớm ra cửa hàng bán từng cuộn len, từng cây bút.
Ngày con còn bé, con không nhận thức được ý nghĩa của việc làm đó. Chỉ đến khi lớn hơn, con mới hiểu và tự hào, trân trọng về những việc làm, những yêu thương bố mẹ dành cho chúng con. Sau này khi mẹ cũng đã 60 tuổi, mẹ vẫn cần mẫn như ngày nào, vẫn bán hàng đến chiều 30 Tết, và khi ở nhà mẹ vẫn chiều con những món con thích. Mẹ đã cho con thấy thế nào là một người yêu lao động, thế nào là một người mẹ tuyệt vời.
Bố mẹ không nói con phải làm gì nhưng những gì bố mẹ làm lại dậy cho con phải như thế nào, và rồi một ngày, con trở thành giảng viên đại học. Điều đó nhiều người chẳng ngờ được, và càng chẳng ai tưởng tượng được một giảng viên đại học sau những giờ đứng lớp, lại… nhếch nhác đi chở những bao tải hàng còn lớn hơn cả mình.
Nhiều người sẽ bảo rằng việc làm đó không đem lại lợi ích kinh tế cao, nhưng con biết, nó đem lại ý nghĩa tinh thần lớn với bố mẹ, và đó mới là điều quan trọng. Những ngày ấy giờ đã trở thành những kỷ niệm làm con nhớ mãi. Và hôm nay, cũng như từ khi lấy chồng, điều làm con day dứt nhất là chẳng thể ở gần để chăm sóc bố mẹ, để đưa bố mẹ đi chơi đây đó, cũng chẳng thể sắm Tết cho nhà mình nữa.
Mặc dù phải xa bố mẹ thân yêu của mình, nhưng số phận đã thật ưu ái khi cho con một gia đình mới ở TP. Hồ Chí Minh với một người chồng và bố mẹ chồng không thể tuyệt vời hơn. Có lẽ hiếm có người đàn ông nào chấp nhận cho vợ đi học xa 2 năm liền chỉ sau 3 tháng cưới. Và có lẽ cũng không có bố mẹ chồng nào lại ủng hộ con dâu như vậy.
Càng ngày con càng thấy mẹ thật hiền, lúc nào cũng làm cái này cái khác vì mọi người, từ đó mỗi lúc con một yêu mến và quý trọng mẹ hơn. Từ khi nhà mình biết tin con có em bé, mẹ chẳng ngại gì việc ngày ngày đi học tiếng Nhật để sang bên này chăm con. Quả thật, con bất ngờ và cảm động lắm khi biết điều đó. Nếu ở vị trí của mẹ, chắc chắn con sẽ không thể làm được như thế.
Rồi hôm giao thừa, bố còn bê máy tính đi khắp nhà để chiếu webcam cho con nhìn thấy nhà mình trang trí thế nào, rồi lúc cả nhà mình ngồi quây quần bên khay mứt và đĩa trái cây, bố giơ hết cái này đến cái khác trước webcam và hỏi con có ăn không. Hành động đó có lẽ với bố không có gì, nhưng con lại thấy thật hạnh phúc. Và còn cả cái cách bố mẹ nhắc đến con với những người khác mà con vô tình biết được thực sự chỉ có ở những bố mẹ dành cho con cái mình sinh ra thôi.
Chính từ những cử chỉ, lời nói dù nhỏ nhất của bố mẹ đã khiến con luôn có cảm giác thật gần gũi, yêu thương, vì thế con thấy thật thoải mái khi được chia sẻ thật nhiều điều với bố mẹ. Con cảm ơn bố mẹ vì tất cả những điều đó, và đặc biệt cảm ơn bố mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng một người tuyệt vời như chồng con, một người không biết nói những lời hoa mỹ, nhưng lại luôn làm con cảm động bởi những tình cảm chân thành nhất.
Giờ đây khi con sắp làm mẹ, con mới hiểu hết được tình yêu mà các bố mẹ đã dành cho chúng con. Nhiều lúc con lo lắng, mệt mỏi và cả đặt nhiều mơ ước vào con mình, và cũng chính khi đó con hiểu trước đây khi có con và chồng con, thì các mẹ cũng trải qua ngần ấy thứ cảm giác, đặt ngần ấy niềm hy vọng vào chúng con.
Ở bên này, con chỉ có một mình, không được ai chăm sóc cả, có những khi con muốn khóc và chỉ ước giá như mình đang ở nhà thì đấy là niềm hạnh phúc không gì tả nổi, nhưng rồi những tình cảm của cả nhà đã nâng đỡ con vượt qua. Chúng con sẽ đặt tên cho con mình là Việt Nhật, như lời các bố mẹ đã nói, với mong muốn con chúng con sau này dù có đi Nhật hay đi đâu thì cũng luôn nhớ về cái gốc Việt Nam mang trong mình.
Phùng Minh Đức