Theo lời kể của cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James B. Comey với các đồng nghiệp, chỉ 7 ngày sau khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, ông đã được triệu tập tới Nhà Trắng tham dự một bữa tối riêng với tân tổng tư lệnh nước Mỹ.
Comey giờ đây tin rằng cuộc đối thoại vào buổi tối cuối tháng một đó chính là lý do dẫn tới quyết định sa thải chức vụ giám đốc FBI ông vừa nhận hồi đầu tuần, New York Times dẫn lời hai nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Lời thề trung thành
Trong lúc dùng bữa, hai người trò chuyện đôi chút về cuộc bầu cử và quy mô đám đông tại các buổi vận động tranh cử của ông Trump. Tổng thống Mỹ sau đấy chuyển sang hỏi Comey liệu ông có thể thề trung thành với chính quyền Trump hay không.
Comey từ chối đưa ra lời thề. Thay vào đó, giám đốc FBI khẳng định sẽ luôn trung thực với Tổng thống Trump và tự nhận mình thực sự "không đáng tin cậy" nếu xét về độ nhạy bén chính trị truyền thống.
Nhà Trắng ngày 10/5 cho biết những thông tin từ phía ông Comey không chính xác. Tổng thống Trump, trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC vào hôm qua, miêu tả bữa tối với giám đốc FBI diễn ra hoàn toàn khác. Theo lời ông Trump, chính ông Comey yêu cầu được gặp mặt và câu hỏi về lòng trung thành chưa bao giờ xuất hiện.
Như những thông tin mà Comey cung cấp, câu trả lời của ông cho câu hỏi đầu tiên rõ ràng không khiến ông Trump hài lòng. Tổng thống Mỹ một lần nữa nói với Comey rằng ông cần sự trung thành từ người đứng đầu FBI. Comey nhấn mạnh ông sẽ "trung thực" song không thể thề trung thành. Nhưng Trump tiếp tục dồn ép, hỏi Comey liệu nó có thể là "lòng trung thành trung thực" hay không. Giám đốc FBI đáp: "Ông sẽ có điều đó".
Suốt sự nghiệp kinh doanh lẫn chính trị, Trump luôn đặt lòng trung thành như tiêu chí số một khi tuyển lựa những người bên cạnh mình. Tổng thống Mỹ thường có xu hướng sa thải những nhân viên ông cho là không đủ tin cậy.
Theo hai nguồn tin biết rõ câu chuyện, bữa tối giữa Tổng thống Mỹ và giám đốc FBI cách đây hơn ba tháng cho thấy với tư cách một doanh nhân làm chính trị, ông Trump dường như không hiểu một thực tế rằng các giám đốc FBI phải là người trung lập về mặt chính trị. Họ không được phép thể hiện lòng trung thành hay nghiêng về bất kỳ ai. Điều này giải thích vì sao quốc hội Mỹ những năm 1970 thông qua luật quy định thời gian làm việc của giám đốc FBI là 10 năm, không phụ thuộc vào nhiệm kỳ tổng thống nào.
James Comey thông báo điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Comey kể những chi tiết về cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Mỹ cho một số người với điều kiện họ không thảo luận công khai câu chuyện khi ông còn làm giám đốc FBI. Tuy nhiên giờ đây, Comey đã bị sa thải, họ có thể thoải mái nói về nó.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng hôm qua phản bác lại những mô tả về bữa tối mà các cộng sự của ông Comey cung cấp.
"Chúng tôi không tin chúng chính xác", Sarah Huckabee Sanders, phó thư ký báo chí Nhà Trắng, cho hay. "Tính liêm chính của các cơ quan thực thi pháp luật cũng như lãnh đạo những cơ quan đó là điều quan trọng hàng đầu đối với Tổng thống Trump. Ông ấy sẽ không bao giờ thể hiện sự kỳ vọng vào lòng trung thành cá nhân, chỉ cần lòng trung thành đối với đất nước và người dân".
Theo miêu tả từ Tổng thống Mỹ, tại bữa tối, chính giám đốc FBI Comey yêu cầu được tiếp tục giữ chức vụ. Trump đã hỏi Comey liệu ông có bị điều tra trước nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ không. Comey trấn an rằng ông nằm ngoài vòng điều tra.
Khi được hỏi liệu lòng trung thành có phải tiêu chí để Tổng thống Mỹ chọn giám đốc FBI mới hay không, bà Sanders cho biết ông Trump chỉ muốn một người "trung thành với hệ thống tư pháp".
Các cộng sự của Comey cho hay lúc được mời đến dùng bữa tối với Tổng thống Mỹ, ông vô cùng phân vân vì không muốn tỏ ra quá thân mật với Trump, đặc biệt khi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang diễn ra. Dù vậy, Comey vẫn quyết định đi bởi ông cho rằng không thể khước từ lời mời gặp mặt từ Tổng thống.
Tại bữa ăn, ông Comey đã cố gắng giải thích cho Tổng thống Trump rằng một FBI và Bộ Tư Pháp độc lập sẽ phục vụ tốt nhất cho đất nước.
Trong thông báo sa thải Comey hôm 9/5, Nhà Trắng công bố một số văn bản từ Bộ trưởng Tư pháp và Thứ trưởng Tư pháp liệt kê lý do vì sao ông bị cách chức giám đốc FBI.
"Bất kể đề xuất như thế nào, tôi vẫn sẽ sa thải ông Comey", Trump khẳng định trong cuộc phỏng vấn với NBC. "Thực tế, khi tôi quyết định làm vậy, tôi đã tự nói với mình rằng tôi biết câu chuyện về mối liên hệ giữa Trump với Nga là bịa đặt", Tổng thống Mỹ nói.
Trump tuyên bố vẫn sa thải Comey, bất kể đề xuất như thế nào
Vũ Hoàng