Thoạt nhìn có vẻ tự do và ít quy tắc, nhưng kỳ thực, nếu muốn ăn một bữa ăn Nhật đúng điệu, bạn cũng cần nắm được một số những "luật" nho nhỏ để không bị bối rối.
Sushi giờ đây quen thuộc với nhiều bà nội trợ Việt Nam đến nỗi các bà, các cô làm sushi như một món cơm cuốn dễ ăn, dễ mang theo vào những ngày nóng. Món cơm cuốn này cần được nấu bằng một loại gạo riêng, dẻo của Nhật và được trộn với giấm, kết hợp với các loại cá, trứng cá hoặc rau.
Vào một nhà hàng Nhật, với hàng trăm loại sushi, truyền thống lẫn cách tân và pha trộn, bạn có thể chọn loại sushi được cuốn trong lá rong biển theo hình chiếc phễu nhỏ, loại sushi cơm được nắm thành vắt, thức ăn bày ở trên hoặc loại phổ biến nhất là makimono sushi với thức ăn được nằm chính giữa phần cơm, cuộn trong rong biển và cắt thành từng khoanh nhỏ. Cũng có những loại sushi mà cơm và thức ăn được gói gọn trong một miếng đậu hũ, hoặc chỉ có cơm được ép vào từ một cái khuôn bằng gỗ, cắt miếng vừa ăn.
Thông thường, các đầu bếp đồ Nhật thường là đầu bếp nam, vì người ta cho rằng để cuốn, ép được sushi ngon, bàn tay phụ nữ nóng hơn sẽ dễ làm cơm bị rời, không chặt. Một phần khác, tâm lý và nhiệt độ cơ thể phụ nữ thường không ổn định, những miếng sushi làm ra sẽ không đều tăm tắp như nhau. Chính vì thế, dân mê ẩm thực ở Sài Gòn thường truyền tai nhau câu chuyện về một ông chủ nhà hàng đồ Nhật đã phải mất đến 5 năm chỉ để học cách cuộn, nắm sushi sao cho thật chuẩn.
Khi ăn sushi, bạn nhớ "cố gắng" bỏ trọn một miếng sushi vào miệng. Một miếng sushi bị cắn nhỏ sẽ bị phá hỏng vẻ đẹp của nó và tâm ý khéo léo của người đầu bếp khi phối hợp những màu sắc thức ăn với màu trắng của cơm và đường viền khéo léo của lớp rong biển.
Loại nước chấm chủ yếu của đồ ăn Nhật là nước tương làm từ đậu nành. Bạn hãy nhớ, đừng rưới, rót nước tương lên đồ ăn. Với những món ăn này, bạn sẽ được phục vụ những chiếc đĩa nhỏ dùng để đựng nước chấm, hãy rót nước tương ra đó. Nhiều người thường cho rất nhiều wasabi (mù tạt xanh) vào nước tương, thật ra điều này sẽ làm vị của nước chấm quá nồng. Đó là chưa kể đến nhiều loại sushi đã có sẵn wasabi bên trong hoặc cần được ăn không có mù tạt để hương vị được cảm nhận trọn vẹn. Đừng lãng phí nước tương, vì người Nhật coi điều ấy là không tốt.
Khi lấy đồ ăn từ đĩa chung, trừ phi đang ăn với gia đình hoặc bạn bè, bạn nên trở đầu đũa hoặc dùng một đôi đũa mới để lấy thức ăn cho lịch sự. Khi tiếp đồ ăn cho người khác, bạn cần nâng đĩa lên, gạt thức ăn trực tiếp từ đĩa chung qua đĩa của người đó, tránh gắp vì người Nhật coi gắp thức ăn cho nhau là điềm xui.
Ợ to, ở một số nước Đông Á thường được coi là dấu hiệu ăn no, ngon và cảm ơn chủ nhà, nhưng với người Nhật thì ngược lại. Bạn cũng không nên bỏ mứa đồ ăn, cắn đũa hoặc hỉ mũi trong một bữa ăn đồ Nhật.
Nếu bạn thường thắc mắc về kích thước những bát đĩa nhỏ xíu trên bàn ăn Nhật Bản, hãy nhớ rằng từng lát sashimi hay miếng sushi cũng nhỏ xinh và tinh tế như thế. Các món ăn Nhật mang đậm chất phương Đông với hương vị thanh tao và nhẹ hơn các món ăn Tây Âu.
Bạn hãy nhớ nói "Itadakimasu" để bắt đầu một bữa ăn Nhật Bản và kết thúc bằng câu "gochiso sama deshita" cảm ơn vì bữa ăn ngon.
Thứ tự một bữa ăn Nhật bản thường được sắp xếp theo: Món khai vị với sashimi gồm mực, tôm, sò, cá hồi, cá ngừ sống thái lát, được xếp trên khay gỗ thật đẹp mắt và nhiều màu sắc với củ cải trắng và lá tía tô; Tiếp sau đó, sẽ là những món chiên hoặc nướng; Kế đến là sushi, món ăn trứ danh của Nhật Bản.
(Nguồn: Chương trình hợp tác VnExpress và Citibank)
SG003634