Nghiên cứu được tiến hành trên 5.489 trẻ em ở Anh. Các bà mẹ được phỏng vấn về thói quen cho con bú khi trẻ được 9 tháng tuổi. Có 2/3 số trẻ đã được bú sữa mẹ ở một số giai đoạn và 16% đã hoàn toàn bú sữa mẹ ít nhất là 4 tháng.
Khả năng học tập của trẻ được đo bằng cách sử dụng hồ sơ ghi chép các giai đoạn, có giáo viên đánh giá vào cuối năm đầu tiên ở trường, trước khi trẻ được 5 tuổi. Giáo viên đánh giá trẻ dựa trên 13 thang đo bao gồm 6 lĩnh vực phát triển và xếp hạng liên tục suốt cả năm. Kết quả này đáng tin cậy vì giáo viên không hề biết trẻ tham gia thử nghiệm uống sữa mẹ hay bú sữa ngoài trước đó.
Theo nghiên cứu thì chỉ có 37% trẻ không bú sữa mẹ là đạt thành tích tốt. Và cũng tùy thuộc vào thời gian cho trẻ bú sữa mẹ mà có kết quả khác nhau. Có 49% những bé bú sữa mẹ dưới 2 tháng, 56% trẻ bú sữa mẹ 2-4 tháng và 60% trẻ bú sữa mẹ từ 6 tháng trở lên là đạt thành tích cao. Kết quả này đã được điều chỉnh dựa trên yếu tố trình độ học vấn, tình trạng kinh tế - xã hội của người mẹ.
Nhóm nghiên cứu tại ĐH Oxford cũng cho thấy, cho con bú sữa mẹ trong thời gian dài có thể cải thiện kết quả học tập ngay khi trẻ học tiểu học, giúp trẻ có thành tích tốt trong mọi lĩnh vực như giao tiếp, ngôn ngữ, văn hóa, kiến thức, sự hiểu biết về thế giới cũng như phát triển thể chất. Trẻ bú sữa mẹ cũng có xu hướng đạt điểm số cao hơn trong việc phát triển bản thân, xã hội, tình cảm, giải quyết vấn đề, lý luận, tính toán hay sáng tạo.
Các nhà nghiên cứu cho biết acid béo thiết yếu trong sữa mẹ có thể giúp trẻ phát triển nhận thức. Trong khi đó, nếu trẻ không được uống sữa mẹ rất dễ bị nhiễm trùng, thậm chí chậm phát triển.
Hiện nay ở Anh, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người không cố gắng cho con bú sữa mẹ, đây là mức đáng báo động nhất thế giới. Nghiên cứu này khuyên các bà mẹ nên cố gắng cho con bú sữa mẹ. Càng kéo dài thời gian cho bú, càng có nhiều khả năng trẻ sẽ có thành tích học tập tốt hơn.
Hằng Nguyễn (theo The Health)