Ông Hoàng Phước Hiệp: "Phiên đa phương sắp tới cũng không kém phần căng thẳng". (Ảnh: Tuổi Trẻ)
- VN và Mỹ đã có BTA, nhưng vì sao đàm phán song phương khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với đối tác này lại diễn ra căng thẳng như vậy?- Với BTA, VN chỉ cam kết 43 ngành dịch vụ trên tổng số 155 ngành dịch vụ của WTO (hiện giờ đã tăng lên hơn 210 ngành). BTA cũng chỉ cam kết đối với 8 nhóm, ngành dịch vụ, còn ở WTO là 12 nhóm, ngành.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực hàng hóa, VN mới cam kết vài trăm dòng thuế, còn WTO có cả vạn dòng. Như vậy cam kết trong BTA hẹp hơn so với quy định WTO. Khi đàm phán với Mỹ, BTA chỉ là nền tảng, còn lại phải xử lý trên cơ sở những vấn đề của WTO và thậm chí của vòng đàm phán Doha đặt ra, vì thế đàm phán khó khăn hơn.
Ví dụ như nội dung nền kinh tế thị trường hay phi thị trường; trong vụ kiện chống bán phá giá cá basa, Mỹ cho rằng VN không có nền kinh tế thị trường. Bây giờ chúng ta muốn họ cam kết là VN đã có nền kinh tế thị trường nên hai bên phải thảo luận rất nhiều lần. Một nội dung khác là thuế nhập khẩu, Mỹ cho rằng VN áp thuế cao, trong khi quan điểm chúng ta thì ngược lại. Với vấn đề trợ cấp cho xuất khẩu, Mỹ cũng cho rằng VN có trợ cấp hàng xuất khẩu và phải loại bỏ.
Còn vấn đề dệt may thì trong BTA khẳng định không giải quyết, sau đó VN và Mỹ phải đàm phán để có một hiệp định riêng về dệt may. Từ thực tế đó phía Mỹ đòi hỏi khi VN vào WTO thì hàng dệt may của VN vào Mỹ vẫn phải có quota. Chúng ta muốn Mỹ phải đặt VN bình đẳng với các nước khác.
Tóm lại, cuộc thương lượng vừa rồi là để gút những vấn đề đã có trên bàn đàm phán từ những năm qua.
- Liệu VN có được hưởng một lộ trình để áp dụng các cam kết hay phải thực hiện ngay khi vào WTO, thưa ông?
- Chúng ta còn phải chờ các nước thông qua các văn kiện mới biết cụ thể. Có ngành phải áp dụng ngay sau khi hiệp định gia nhập có hiệu lực, nhưng cũng có lộ trình cho một số ngành khác.
Với các biện pháp trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO, họ yêu cầu chúng ta phải bỏ ngay khi gia nhập, trừ các ưu đãi áp dụng cho các dự án khuyến khích đầu tư (kể cả đầu tư vào khu công nghiệp và khu chế xuất) thì có một thời gian quá độ là 5 năm.
- Theo quy chế tối huệ quốc của WTO, những nội dung VN cam kết với Mỹ cũng phải thực hiện với các thành viên khác?
- Điều này còn phải chờ đến phiên đàm phán đa phương sắp tới, có hai khả năng xảy ra. Xấu nhất là phải áp dụng nội dung đã thỏa thuận song phương đối với tất cả các nước theo nguyên tắc tối huệ quốc. Khả năng thứ hai là có một số cam kết song phương sẽ trở thành cam kết đối với tất cả nước thành viên, còn một số khác chỉ áp dụng trong quan hệ song phương dưới dạng bảo lưu.
Hạn chế tối đa được các điểm thỏa thuận song phương phải áp dụng đa phương là phương án tốt nhất. Vì vậy có thể nói vòng đàm phán đa phương sắp tới (dự kiến cuối tháng 6 hoặc tháng 7) không kém phần căng thẳng.
- Có trường hợp nào chúng ta chỉ “mở cửa” cho một nhóm nước, nhưng miễn trừ với những nước còn lại không?
- Chẳng hạn khi tham gia nhóm xuất khẩu gạo (CAINS), nếu như các nước này thống nhất được với nhau và với VN về vấn đề gạo thì có thể có những quy định riêng của nhóm. Hoặc vấn đề ASEAN, nội dung cam kết trong ASEAN chỉ áp dụng trong khu vực này, điều đó có nghĩa là ngoại lệ của WTO.
(Theo Tuổi Trẻ)