Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS - tổ chức của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - khai mạc hôm 22/8. Nội dung chính cuộc gặp lần này là xem xét các cách để tăng cường thanh toán bằng tiền tệ của các thành viên. Về lâu dài, ý tưởng là tung ra một loại tiền tệ chung để thách thức USD.
Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile cho rằng thế giới chú ý đến BRICS vì khối này đang đi đầu trong trong các cuộc thảo luận toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD. "Chúng tôi không ở đây để cạnh tranh với phương Tây. Chúng tôi muốn không gian của mình trong kinh doanh toàn cầu", ông Paul nói hôm 21/8.
Cách đây gần tròn một năm, ngày 24/8/2022, Chủ tịch Diễn đàn Quốc tế BRICS Purnima Anand cho biết Ấn Độ và Nga đã thiết lập cơ chế thanh toán bằng ruble và rupee, không còn cần USD.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng ủng hộ một đồng tiền chung cho thương mại trong khối Nam Mỹ và giữa các quốc gia BRICS. "Tại sao Brazil cần USD để giao dịch với Trung Quốc hoặc Argentina? Chúng tôi có thể giao dịch bằng đồng tiền của mình", ông nói trong tháng này.
Trước đó, tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao BRICS vào tháng 6, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của khối sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế "đối với các loại tiền tệ được giao dịch quốc tế hiện tại", tức ám chỉ USD. Một số quốc gia ngoài BRICS cũng đang tỏ ra muốn giảm phụ thuộc vào USD.
"Tôi muốn mua hàng từ Ấn Độ. Tại sao tôi phải sử dụng USD?", cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo từng đặt vấn đề ở một tọa đàm. Theo ông, nước này cần một hệ thống thanh toán cho phép tôi mua bất cứ thứ gì cần thiết từ Ấn Độ, Brazil, mà không cần dùng USD.
Ngoài thảo luận về giảm phụ thuộc USD, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ bàn bạc về khả năng mở rộng thành viên. Bloomberg Economics ước tính nếu khối mở rộng thì sẽ chiếm khoảng một nửa sản lượng toàn cầu vào năm 2040, gấp đôi thị phần của G7. Đó sẽ là dấu mốc đảo ngược so với đầu thế kỷ 21. BRICS hy vọng chính sức mạnh ngày càng tăng sẽ giúp họ giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Nhóm BRICS có từ năm 2009. Ban đầu, tổ chức chỉ là BRIC - thuật ngữ do nhà kinh tế Jim O'Neill của Goldman Sachs đặt ra để chỉ các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi tham gia vào năm 2010, thêm chữ "S" vào tên. Hơn 20 quốc gia - bao gồm Arab Saudi, Iran và Venezuela - đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Bất chấp nhiều lần thảo luận về việc sẽ tung ra đồng tiền riêng, chưa có đề xuất cụ thể nào được BRICS nêu ra. Nỗ lực lớn nhất đến nay là năm 2015 thành lập NDB - một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới do Mỹ và châu Âu thống trị.
Tuy nhiên, sau 8 năm hoạt động, NDB chỉ cho vay 32,8 tỷ USD trong tám năm hoạt động, là một phần rất nhỏ so với số tiền mà IMF và Ngân hàng Thế giới đã giải ngân trong cùng khoảng thời gian.
Theo các chuyên gia, dù có những điểm yếu hoặc một số quốc gia không muốn phụ thuộc nhưng các lựa chọn thay thế cho USD lại không dễ có. "Cuối cùng, nếu muốn giữ an toàn cho khoản dự trữ của mình, bạn phải chuyển nó sang USD", Daniel Bradlow, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Pretoria và một luật sư chuyên về tài chính quốc tế, bình luận.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, 96% giao dịch ở châu Mỹ từ năm 1999 đến năm 2019 được thanh toán bằng USD. Tỷ lệ này là 74% ở châu Á và 79% ở mọi nơi khác ngoài châu Âu - nơi sử dụng đồng euro.
Tuy nhiên, vai trò của USD với thương mại toàn cầu đã phần nào giảm bớt trong những năm gần đây khi các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển sang sử dụng euro và đồng nhân dân tệ. Vào tháng 6, tập đoàn tài chính BNP Paribas (Pháp) nhận định trong một phân tích rằng các lợi thế để USD thống trị trong thương mại toàn cầu đã giảm bớt, ngay cả khi quá trình này diễn ra chậm.
Nhưng 24 năm sau khi ra đời, euro - đồng tiền số 2 thế giới vẫn không cạnh tranh được với USD về sức hấp dẫn quốc tế. USD được sử dụng trong số lượng giao dịch ngoại hối nhiều gấp ba lần euro, theo báo cáo của nhà kinh tế học Jeffrey Frankel tại Đại học Harvard. Trong khi đó, nhân dân tệ bị hạn chế do Bắc Kinh từ chối để đồng tiền này được giao dịch tự do trên thị trường thế giới.
Mihaela Papa, thành viên cấp cao tại Trường Quan hệ Toàn cầu Fletcher của Đại học Tufts (Mỹ) cho rằng không có lựa chọn thay thế nào ngoài USD có thể đạt được vị trí đồng tiền thống trị toàn cầu. Vì vậy, không thể sau một đêm mà có loại tiền tệ mới của BRICS vì cần có thời gian, xây dựng độ tin cậy. "Tôi thấy con đường còn rất dài", chuyên gia nói.
Phiên An (theo Bloomberg, AP)