Về mặt chính trị, câu hỏi Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) ngày càng nóng tại Anh. Hầu hết người dân tin rằng, quyết định này là một thất bại. Cụ thể, khoảng 60% cho đó là "một sai lầm"; chỉ 10% cảm thấy Brexit đang diễn ra tốt đẹp ở "hiện tại" và chỉ 30% cho rằng nó sẽ tích cực "về lâu dài".
Với nhiều người Anh, tất cả khó khăn hiện tại của đất nước đều từ Brexit mà ra. Chúng bao gồm lạm phát tăng vọt, giáo dục gặp vấn đề, y tế quá tải, kinh tế trì trệ và chính trị bất ổn. Nhưng Brexit có đáng trách không?
Hôm 1/9, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đã công bố bản hiệu chỉnh số liệu thống kê lớn cho năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Cơ quan này kết luận rằng nền kinh tế Anh mạnh hơn nhiều so với ước tính ban đầu.
Cụ thể, trong quý IV/2021, GDP đã tăng 0,6% so với quý IV/2019 thay vì giảm 1,2% như ước tính ban đầu. Với số liệu hiệu chỉnh, kinh tế nước Anh trông không đến nỗi tệ như mọi người hình dung.

Tăng trưởng GDP các nước G7 vào quý IV/2021 so với quý IV/2019. Đồ họa: Telegraph
Nếu tính toán mới này là chính xác và số liệu thống kê cho năm 2022 và 2023 không có biến động lớn sau những hiệu chỉnh sắp tới, nền kinh tế Anh hiện lớn hơn 1,5% so với mức trước đại dịch. Như vậy, mức độ phát triển này tương tự với Pháp, tốt hơn đáng kể so với Đức (0%), nhưng kém hơn Italy (tăng 2,1%), Nhật Bản (tăng 3,5%), Canada (tăng 3,5%) hoặc Mỹ (tăng 6,1%).
Chính phủ Anh rất vui mừng vì điều đó. "Những số liệu mới nhất cho thấy chúng tôi đã phục hồi tốt hơn nhiều các nền kinh tế G7 khác và là một trong những quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất trên thế giới", Thủ tướng của Exchequer Jeremy Hunt nói hôm 3/9. Vậy tác động của Brexit cuối cùng có đáng kể không?
Để hiểu điều này, ta cần biết tại sao số liệu thống kê lại được hiệu chỉnh. John Springford, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Centre for European Reform, cho biết thực tế đây là lần hiệu chỉnh thứ hai của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh về số liệu 2020 và 2021. Ông cho biết hầu hết các viện thống kê khác trên toàn thế giới cũng đang hiệu chỉnh các con số tính toán cho giai đoạn đại dịch, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi khác trong so sánh quốc tế.
Việc điều chỉnh số liệu thống kê chủ yếu liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là khu vực công. Trong bối cảnh đại dịch, việc ước tính sự phát triển của những bộ phận nền kinh tế bị đột ngột đóng cửa và mở trở lại rất khó khăn. "Điều này không liên quan gì tác động về thương mại quốc tế và quan hệ kinh tế của chúng tôi (Anh) với phần còn lại của thế giới", Jonathan Portes, nhà kinh tế tại tổ chức nghiên "UK in a Changing Europe", cho biết.
Vì vậy, nếu Brexit có bất kỳ ảnh hưởng nào thì đó là về quan hệ thương mại Anh với châu Âu. Vào ngày 1/1/2021, Anh chính thức rời khỏi thị trường chung châu Âu. Các công ty xuất - nhập khẩu nước này kể từ đó phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát biên giới. Về điều này, số liệu thống kê mới không thay đổi gì và nói rất ít về Brexit.
"Bản thân điều này chưa đủ để chứng minh rằng nền kinh tế Anh hầu như không bị ảnh hưởng bởi Brexit. Một số người vẫn cho rằng đáng lẽ chúng ta nên làm tốt hơn trong giai đoạn này, như Mỹ đã làm. Các quốc gia khác cũng có thể điều chỉnh lại con số của họ. Nhưng cũng đồng nghĩa càng có ít bằng chứng cho thấy Anh đã chịu ảnh hưởng lớn từ Brexit", Julian Jessop, nhà kinh tế ủng hộ Brexit, nhận định.
Cũng ủng hộ Brexit, Douglas McWilliams, Phó chủ tịch của công ty tư vấn Centre for Business and Economic Research, cũng tỏ ra hoài nghi. "Sự thật là trước Brexit, kinh tế Anh tốt hơn một chút so với các nước EU tương đương, và bây giờ nó cũng hoạt động kém tương tự các nước đó", ông nói.
Trong bối cảnh một đại dịch chưa từng thấy và một cuộc xung đột ở châu Âu - hai cú sốc đáng kể - rất khó để xác định được kinh tế Anh bị tác động ra sao chỉ riêng bởi lý do rời EU. Để cố gắng đo lường chúng, Springford đã sử dụng phương pháp "doppelgänger". Đây là phương pháp trong nghiên cứu khoa học và kinh tế để so sánh hoặc đánh giá tác động của một biến số hoặc sự kiện bằng cách so sánh với một tập hợp các yếu tố tương tự nhưng không chịu tác động.
Cụ thể, ông so sánh nền kinh tế Anh với 22 quốc gia khác có tốc độ tăng trưởng tương tự trước khi Brexit diễn ra. Ông kết luận nền kinh tế Anh hiện thấp hơn 5% so với trường hợp không có Brexit. Tính từ lúc bắt đầu trưng cầu dân ý về việc rời EU (2016), việc mất 5% trong 7 năm được kết luận là "mất dần và chậm".
Thậm chí, nhà kinh tế Julian Jessop còn xem tác động của Brexit gần như không đáng kể. Theo đánh giá chủ quan của ông, tác động tiêu cực của Brexit với GDP của Anh chỉ là 2-3% GDP.
Việc tính toán GDP Anh thật sự mất bao nhiêu so với tiềm năng vì Brexit là bài toán rất khó với các chuyên gia. Ví dụ, hai chuyên gia Graham Gudgin và Saite Lu của Đại học Cambridge không tin cậy vào nghiên cứu của Springford. Theo họ, phần lớn trong 22 quốc gia được chọn, tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý không có mối tương quan đáng kể về mặt thống kê với Anh.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia thừa nhận cũng không có mô hình tính toán nào tối ưu hơn. Ngoài ra, giới nghiên cứu chỉ có thể đo lường mức độ thay đổi tăng trưởng của Anh sau năm 2016 so với các quốc gia khác. Nhưng họ không thể đo lường tại sao nó lại thay đổi.
Trong khi, một phần hoặc thậm chí phần lớn sự thay đổi đó có thể là do Brexit, hoặc các yếu tố khác xen cài như chính sách tài khóa của Mỹ, hoặc sự tăng tốc phục hồi kinh tế ở Hy Lạp. Ví dụ, sự chậm lại gần đây trong tăng trưởng nguồn cung lao động ở Anh chủ yếu không phải là hiện tượng Brexit, theo Julian Jessop
Sau cùng, tất nhiên không ai tin có bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ việc Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu. Thương mại của nước này đã giảm về số lượng và tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Nhưng có lẽ đây không phải là vấn đề chính, theo McWilliams.
"Thành công của nước Anh phụ thuộc vào việc chúng tôi quản lý đất nước của mình tốt như thế nào, ông tuyên bố. Các ưu tiên của chuyên gia này bao gồm giải quyết quá trình khử cacbon của nền kinh tế và sự bất mãn trong khu vực công. Theo quan điểm của ông, việc rời khỏi EU chỉ là vấn đề thứ yếu.
Phiên An (theo Le Monde, UK in a Changing Europe)