Trong tuyên bố ngày 3/6, ANVISA cho biết: "Đây là thử nghiệm ngẫu nhiên giai đoạn ba để xác định tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật và thử nghiệm giai đoạn một ở người, được thực hiện tại Anh, cho kết quả an toàn ở mức chấp nhận được".
Thử nghiệm dự kiến diễn ra tại Đại học Liên bang Sao Paulo trong tháng này, với sự tham gia của 2.000 tình nguyện viên khỏe mạnh. Tất cả phải có nền tảng sức khỏe tốt và chưa từng tiếp xúc với nCoV.
"Điều quan trọng là phải thực hiện giai đoạn nghiên cứu này ngay lập tức, khi đường cong dịch tễ vẫn trên đà tăng, kết quả mới chính xác", Lily Yin Weckx, điều phối viên Trung tâm Khảo sát Miễn dịch học Đặc biệt (CRIE), nhận định.
Từ khi tình hình tại Mỹ và các nước châu Âu dần ổn định, giới chuyên gia chuyển hướng thử nghiệm vaccine sang các "điểm nóng" mới, như Mỹ Latin hoặc châu Phi, nơi dịch bệnh vẫn trên đà lây lan.
Vaccine của Đại học Oxford là một trong những "ứng viên" đầu tiên trên thế giới đi tới giai đoạn hai, bên cạnh sản phẩm của Moderna. Trước đó, nó đã chứng minh độ an toàn và hiệu quả trên 160 tình nguyện viên khỏe mạnh, độ tuổi từ 18 đến 55.
Hồi tháng 5, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) quyết định chi trả 1,2 tỷ USD cho công ty dược phẩm AstraZeneca để mua ít nhất 300 triệu liều vaccine. Đây được coi là bản hợp đồng phát triển vaccine lớn thứ tư từ trước đến nay. Số tiền dành cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trên khoảng 30.000 tình nguyện viên (tính cả ở Brazil) mùa hè này. Đổi lại, công ty sẽ ưu tiên nguồn cung cho Mỹ.
HHS và AstraZeneca cho biết liều đầu tiên dự kiến có mặt vào tháng 10 năm nay - khoảng thời gian ngắn và đầy tham vọng.
Vaccine Oxford được điều chế một cách nhanh chóng, phần vì sử dụng công nghệ có sẵn do trường đại học phát triển. Các nhà khoa học dùng một loại virus bất hoạt, chứa trình tự di truyền cho các protein gai bên ngoài nCoV. Thử nghiệm trên động vật chưa được bình duyệt, vaccine khiến cơ thể khỉ sinh kháng thể, bảo vệ chúng khỏi sự xâm nhập của virus.
Thục Linh (Theo Reuters)