"Vấn đề bán đảo Crimea có thể bàn luận được. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không thể muốn mọi thứ. Thế giới cần yên ổn và chúng ta phải tìm ra giải pháp", Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói ngày 6/4, khuyên Ukraine nên nhượng bộ trong vấn đề Crimea để sớm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Tổng thống Lula tuần sau có chuyến công du đến Trung Quốc và dự kiến thảo luận về đề xuất chấm dứt xung đột Ukraine trong chuyến thăm này. Bắc Kinh trước đó công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine, trong đó kêu gọi các bên hỗ trợ Moskva và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng.
Lãnh đạo Brazil đề xuất ý tưởng thành lập nhóm gồm các quốc gia làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga - Ukraine. Ông Lula nói ông tự tin rằng nhóm này sẽ ra đời sau chuyến thăm Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko ngày 7/4 chỉ trích đề xuất của Tổng thống Brazil, đồng thời khẳng định Kiev sẽ không nhượng dù chỉ một cm lãnh thổ.
"Mọi nỗ lực hòa giải nhằm khôi phục hòa bình ở Ukraine đều phải dựa trên tôn trọng chủ quyền cũng như khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine", ông Nikolenko nói.
Tỷ phú Elon Musk hồi tháng 10/2022 nêu cách để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, trong đó cũng có đề xuất Kiev nên nhượng bộ Moskva về vấn đề bán đảo Crimea. Nga hoan nghênh đề xuất của ông Musk, song Ukraine nhanh chóng bác bỏ.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Moskva nói rằng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy hầu hết người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga, song Ukraine và các nước phương Tây xem động thái này là bất hợp pháp.
Điện Kremlin yêu cầu Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và các khu vực khác mà Moskva đã sáp nhập như một điều kiện cho hòa bình. Kiev tuyên bố không đàm phán hòa bình nếu Nga chưa rời khỏi tất cả những vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở Ukraine, trong đó có Crimea.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Kyiv Independent)