Những du khách lần đầu đến thủ đô của Hà Lan có thể bất ngờ khi nhìn thấy những bốt vệ sinh công cộng lộ thiên. Điều này có thể trở thành "nỗi kinh hoàng" với những người hướng nội.
Vào những năm 2000, vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng vào các ngày lễ hội trở nên nhức nhối khi du khách, người dân phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Nhà hàng, quán cà phê thường thu 50 cent nếu người ngoài muốn đi vệ sinh. Sau vài chai bia, mọi người có thể trở nên say xỉn, phóng uế ra đường và ngõ ngách giữa các ngôi nhà. Vào buổi sáng, thành phố thật khủng khiếp vì mùi.
Thật khó để đổ lỗi hoàn toàn cho người dân khi lý do khách quan là thiếu nhà vệ sinh công cộng. Tổ chức Nhà vệ sinh Hà Lan (DTO) ra đời, nhằm cung cấp nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ cho người dân và du khách. Tổ chức này đề xuất lắp đặt các bốt vệ sinh lộ thiên trên đường phố.
Bốt vệ sinh này giống như đầu của một chiếc tuốc nơ vít, gồm bốn khoang bằng nhựa có bồn tiểu. Nhiều người có thể nghĩ những bốt vệ sinh này là vô dụng và bất lịch sự, song chúng có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, chi phí rẻ cả về sản xuất, vận chuyển và lắp đặt. Thứ hai, chúng giải quyết nhu cầu nhanh gọn của cánh mày râu, tiết kiệm cho họ nhiều thời gian. Thứ ba, chúng là một công trình công cộng có thể thu hút khách du lịch. Du khách thích thú trước những bồn vệ sinh kỳ lạ và muốn thử trải nghiệm độc đáo. Cuối cùng, nó hoàn toàn miễn phí, bởi nhà vệ sinh công cộng truyền thống thường thu phí 25 cent - 1 euro.
Sáng kiến này cũng không dành cho những người dễ xấu hổ vì không phải ai cũng dám giải quyết "nỗi buồn" trước mặt người qua đường. Người ta thậm chí còn đùa rằng, hãy say xỉn một chút và tuyệt vọng đến mức không thể chịu thêm được nữa, bạn sẽ không ngần ngại dùng toilet này. Tuy nhiên, có một hạn chế, bốt vệ sinh này không dành cho nữ giới.
Trung Nghĩa (Theo Rambler)