Ngày 11/2, VEC E (Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam - VEC E) tuyên bố từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô trên trên 4 tuyến cao tốc đang quản lý, khai thác là: TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vụ việc được dư luận quan tâm, tranh luận.
Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về vấn đề này:
Chuyện cấm người vào một con đường khi con đường đó hoạt động bình thường hầu như không xảy ra ở Mỹ. Và nếu có thì nó là do chính quyền đưa ra, tuy vậy những lệnh cấm này thường gây ra rất nhiều tranh cãi.
Một ví dụ là một thị trấn nhỏ ở bang New Jersey (Mỹ) đã đưa ra lệnh cấm những ai không phải là cư dân của thị trấn lái xe vào thị trấn, vốn chỉ có vài con đường. Lý do là khúc đường chính đã trở thành một lối tắt để đi qua xa lộ và rất nhiều người đổ về khúc đường này, gây ra ắc tách nghiêm trọng. Lệnh cấm này do chính quyền thị trấn đưa ra.
Tuy vậy lệnh cấm vẫn gây ra đủ thứ rắc rối và bị chỉ trích kịch liệt. Các cửa hàng thì giận dữ vì chả ai tới để mua sắm. Cảnh sát bị huy động để đứng cạnh đường nhìn xem xe đi qua có đeo bảng vàng ghi là họ là cư dân hay không. Khách khứa bạn bè của các cư dân thì không vào thăm người quen được.
Đó tất nhiên là ý tốt của một chính quyền thị trấn nhưng đã đem lại kết quả không mong muốn.
Còn các công ty đầu tư BOT thì tuyệt nhiên không có quyền cấm ai cả. Đường sá là tài sản công. Mô hình BOT tuy phổ biến nhưng vẫn không thể thay đổi điều này, dù là ở nơi nào trên thế giới. Cụ thể nhất là các chủ đầu tư chỉ được phép thu phí chứ đâu có được phép phạt các tài xế vi phạm luật giao thông trên con đường "của công ty". Và sau một thời gian để hoàn vốn thì công ty đầu tư cũng phải ra đi, chẳng có liên quan gì tới con đường nữa. Việc các tổ chức tư nhân được sở hữu đường sá và cấm bất kỳ ai mà họ muốn là một tiền lệ gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Các tổ chức cá nhân không thể có quyền hạn của nhà nước được
Đó là chưa kể tới việc nhà nước cũng không cấm một cá nhân cụ thể nào đi trên đường. Lệnh cấm này, nếu có, cũng tồi tệ như một án tù, thậm chí còn khổ sở hơn khi bạn phải ở nhà mà không có ai cho ăn uống. Ngay cả khi bị cấm chỉ trên một đường nhất định thì nó vẫn hạn chế khả năng di chuyển của một cá nhân và có hiệu quả như một án tù trong vài giờ mỗi ngày.
Ở Việt Nam, khi mà các BOT mọc lên ngay trên những con đường độc đạo thì việc một công ty đầu tư lại có quyền cấm một vài cá nhân gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đó là hành động của những kẻ tự phong cho mình quyền của nhà nước. Tổn hại không phải chỉ cho cá nhân hay cộng đồng, mà là tổn hại tới quyền hạn của chính phủ. Nó cũng giống như một tổ chức tư đột nhiên cho mình cái quyền bắt và giam giữ. Hậu quả cuối cùng là luật pháp rơi vào tay của những người không thuộc chính quyền.
Việc cấm hai chiếc xe cụ thể càng kỳ quặc hơn. Có lẽ công ty này nghĩ rằng cấm chiếc xe là chắc ăn, tài xế này hoặc là dùng xe làm "cần câu cơm", hoặc là đây là xe nhà, kiểu gì thì cũng chỉ có cách mua xe mới thì mới mong "qua mặt" được công ty. Hay là cấm bảng số thì dễ nhìn dễ thấy? Còn trên thực tế thì nếu hai chủ xe này đem xe ra bán thì hóa ra công ty này lại có thêm cả quyền cấm bất kỳ ai không may mua phải hai chiếc xe này?
Giao thông là một vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của nhà nước do tính chất tối quan trọng của nó. Giao thông như huyết quản, ai bị cấm trên con đường nào cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn mà việc thực thi các lệnh cấm này cũng không hiệu quả. Vì vậy các chế tài của nhà nước không có việc cấm cá nhân dùng một con đường nào. Việt Nam cũng vậy mà các nước khác cũng vậy.
Hành động của công ty đầu tư vì vậy không chỉ là sai sót luật pháp, nó còn là sự tổn hại tới quyền hạn của nhà nước. Nếu hành động này không gây ra sự phản ứng của pháp luật thì các công ty tư nhân sẽ còn đóng vai nhà nước, gây ra náo loạn luật pháp. Khi đó thì các hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Khanh