Việc mỗi người bầu cho ông Trump hay bà Harris thì vào lúc này ai cũng đã quyết. Hơn 45 triệu phiếu bầu sớm đã được nộp, và hai ứng cử viên đều đang ráo riết vận động ở các bang chiến trường. Báo chí đầy những thông tin về cuộc tranh cử.
Trong khi guồng máy đưa tin bầu cử cùng các cuộc thăm dò suốt ngày đưa ra đủ thứ tin tức, nóng còn hơn thị trường chứng khoán, thì các bậc thầy dự đoán lại im ắng.
Ông Nate Silver, người chuyên dự đoán bằng các cuộc thăm dò, thì không dám đưa ra dự đoán nào hết. Người nổi tiếng duy nhất dám đưa ra dự báo là ông Alan Litchman đang rên rỉ và kêu cứu với nhà nước.
Ông Litchman nói rằng ông và gia đình nhận được rất nhiều lời đe dọa hãm hại cùng một đống lời lẽ xúc phạm tồi tệ. Tội lỗi của ông nằm ở chỗ ông dám dự đoán rằng bà Harris sẽ thắng. Cũng chưa biết bà Harris có thắng hay không, nhưng ông Litchman đã phải báo cảnh sát và tăng cường an ninh xung quanh nhà.
Đó là tâm trạng chung của nhiều người Mỹ. Cuộc bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021, việc các tướng lĩnh Mỹ đã phải đưa ra thông cáo rằng họ chỉ tuân theo "các mệnh lệnh hợp pháp" của tổng thống trong những ngày sau đó vẫn còn ám ảnh nhiều người Mỹ.
Bầu cử cứ bốn năm lại có, nhưng bạo loạn cùng tấn công vào tòa nhà quốc hội thì lịch sử Mỹ mới có một lần. Những lời hăm dọa về một cuộc trục xuất lớn, hay là việc ông Trump nói nên dùng quân đội và vệ binh quốc gia để "giải quyết" những "kẻ thù từ bên trong, những kẻ điên bên cánh tả" khiến nhiều người sợ hãi.
Bà Harris cũng gây sợ hãi khi gọi ông Trump là phát xít. Mặc dù nhìn chung bà Haris không đưa ra những luận điểm vô căn cứ kiểu như "Người di dân tới từ Haiti ăn thịt chó mèo của người bản xứ", nhưng những lời chỉ trích của bà nhắm vào ông Trump cũng khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi.
Tình cảnh tranh cử hiện nay ở Mỹ cũng giống như một cảnh quái dị, với ông Trump tự miêu tả mình như một ông kẹ đáng sợ, và bà Harris thì tô điểm thêm cho sự đáng sợ đó.
Kết cục, toàn bộ tin tức của cuộc bầu cử cũng giống như một cuộc chạy đua xem ai là người có thể miêu tả sự điên rồ của ông Trump tốt hơn. Còn những gì cử tri thật sự quan tâm thì chả thấy hai ứng cử viên nhắc nhở gì tới là mấy.
Mất mặt nhất vẫn là giới dự đoán bầu cử. Thật ra họ đã mất mặt từ năm 2016 và cho tới tận giờ vẫn chưa dám ngẩng đầu lên nhìn ai.
Vì vậy các cuộc thăm dò, các nhà dự báo đành nấp sau tấm phông màn "sát nút", "khó đoán", "kết quả khảo sát nằm trong sai số". Họ không còn dám dự đoán nữa, mà chỉ giống như những người dùng ống nhòm xem sóng thủy triều, rồi gọi với ra cho mọi người cũng nghe cho nó vui.
Nguyên nhân khiến các cuộc khảo sát ngày càng không chính xác nằm ở thói quen sử dụng điện thoại của người dân.
Để khảo sát thì các nhà tổ chức gọi điện thoại cho các số bất kỳ trong địa bàn khảo sát và hỏi người nghe máy các câu hỏi về thông tin các nhân như giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, đăng ký bầu cử hay chưa, sẽ bầu cho ai. Họ sẽ khảo sát chừng hơn nghìn người và đưa ra các kết quả khảo sát như nào.
Ai ở Mỹ đều biết rằng, người Mỹ càng lúc càng ít bắt điện thoại từ những số không nằm trong danh bạ. Mùa bầu cử thì những cuộc gọi vận động gây quỹ, vận động cho các chức vụ địa phương... rất nhiều. Vì vậy nên nhiều người gần như không bắt điện thoại nữa. Nếu là chuyện quan trọng thì người gọi sẽ ghi lại lời nhắn, không thì thôi, bắt điện thoại chỉ phiền.
Kết cục là những người bắt điện thoại là những người không quá bận rộn với cuộc sống riêng, và vì vậy mẫu khảo sát, tức là hơn 1000 người bắt điện thoại đấy, không phải là một "lát cắt" đại diện cho cử tri Mỹ. Tuy vậy, những người khảo sát cũng không có cách nào hơn để thu thập dữ liệu.
Vậy là cơn bồn chồn vì bầu cử càng diễn ra dữ dội hơn. Tôi bắt gặp những người than thở vì lo lắng căng thẳng do bầu cử ngày càng nhiều.
Người phe Dân chủ sợ ông Trump sẽ làm hại họ, còn người phe Cộng hòa thì sợ bà Harris. Phe Dân Chủ lại cộng thêm nỗi sợ về việc người phe Trump sẽ gây ra náo loạn lần nữa nếu Trump lại thua.
Đối với phe Dân chủ thì kỳ bầu cử này cũng giống như một vụ việc mà đằng nào mình cũng sẽ khổ, chỉ là khổ bốn năm hay khổ vài tháng mà thôi.
Bác sĩ của tôi lại khuyên rằng tôi nên ngâm nước nóng vào ngày bầu cử cho đỡ căng thẳng, cố gắng thu xếp bữa ăn tối từ trước để đỡ phải nấu ăn, và học cách chấp nhận những gì mà mình không thể thay đổi được.
Những lời khuyên này có vẻ dùng được cho tất cả mọi cử tri, nên bác sĩ cứ thế mà đưa ra.
* Bạn bầu cho ai? Tình hình bầu cử nơi bạn sống ở Mỹ thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.
Khanh Huỳnh