Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Cử nhân Phục hồi chức năng Trần Hữu Lộc, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.
Tổng quan
- Dây chằng khớp cổ chân có chức năng ổn định khớp, giữ khớp ở đúng vị trí, được chia làm hai nhóm như sau:
- Dây chằng bên ngoài cổ chân: Dây chằng mác sên trước và sau, dây chằng mác gót.
- Dây chằng bên trong cổ chân: Dây chằng delta (có hai lớp nông và sâu).
- Hầu hết trường hợp bong gân ở cổ chân đều liên quan đến chấn thương nhóm dây chằng bên ngoài cổ chân.
- Độ 1 (nhẹ): Dây chằng bị giãn nhẹ hoặc có vết rách rất nhỏ, cổ chân sưng đau nhẹ khi chạm vào.
- Độ 2 (trung bình): Dây chằng bị đứt nhưng không rách hoàn toàn, cổ chân lỏng lẻo nhẹ, bị sưng tấy, đau khi di chuyển.
- Độ 3 (nặng): Đứt dây chằng hoàn toàn, cổ chân bị sưng tấy nhiều, khớp cổ chân bị lỏng lẻo nhiều.
Nguyên nhân
- Chấn thương khi tiếp đất bằng một chân sau khi nhảy hoặc xoay người.
- Chấn thương khi đi bộ hoặc tập thể dục trên bề mặt không bằng phẳng.
- Bị giẫm vào chân.
- Khi bị chấn thương, bàn chân bị lật vào trong (tổn thương dây chằng bên ngoài) hoặc lật ra ngoài (tổn thương dây chằng bên trong).
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bong gân
- Chơi thể thao: Bong gân cổ chân là một chấn thương thể thao phổ biến, đặc biệt là các bộ môn cần nhảy hoặc xoay bàn chân như quần vợt, bóng đá, bóng rổ, chạy địa hình...
- Hoạt động trên bề mặt không bằng phẳng: Đi bộ hoặc chạy trên bề mặt không bằng phẳng, điều kiện mặt sân không tốt có thể làm tăng nguy cơ cổ chân bị bong gân.
- Có tiền sử bị chấn thương vùng cổ chân trước đó: Bong gân có khả năng tái phát ở những người từng có tiền sử bị chấn thương vùng cổ chân trước đó.
- Tình trạng thể chất không tốt: Tính linh hoạt và sức mạnh của cổ chân bị giảm cũng làm tăng nguy cơ bong gân khi tham gia thể thao.
- Mang giày không phù hợp: Giày không vừa vặn, không phù hợp với hoạt động thể thao (chạy bộ, đá bóng), hoặc thói quen mang giày cao gót thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ chấn thương cổ chân.
Chăm sóc tại nhà
Đối với tình trạng bong gân cổ chân, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh áp dụng phương pháp PRICE trong 24-48 giờ đầu tiên sau chấn thương, cụ thể như sau:
- P (Protection) - Bảo vệ: Người bệnh có thể sử dụng nẹp và đi chống nạng để bảo vệ cổ chân khỏi tổn thương thêm.
- R (Rest) - Nghỉ ngơi: Người bệnh khi bị bong gân ở cổ chân cần hạn chế hoạt động thể chất như chạy, nhảy, tập thể dục để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn.
- I (Ice) - Chườm lạnh: Người bệnh chườm đá vào cổ chân trong vòng khoảng 20 phút để giảm triệu chứng sưng.
- C (Compression) - Băng ép: Băng ép thường dùng khi có vết thương đi kèm, đối với chấn thương nặng cần sử dụng nẹp vải hoặc nẹp gỗ để cố định cổ chân.
- E (Elevation) - Nâng cao chân: Nâng cao vùng cổ chân cao hơn tim khi ngồi hoặc nằm.
Điều trị
- Sau khi tình trạng sưng đau đã được cải thiện, cổ chân có thể cử động nhẹ nhàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện vật lý trị liệu.
- Quá trình điều trị sẽ bao gồm một số bài tập giúp khôi phục phạm vi chuyển động, tăng cường sức mạnh, tính linh hoạt và ổn định cho cổ chân.
- Đầu tiên, người bệnh cần luyện tập giữ thăng bằng và ổn định bằng cách tăng cường khả năng phối hợp của các cơ cổ chân, giúp hỗ trợ khớp và ngăn ngừa bong gân tái phát, chẳng hạn như đứng bằng một chân.
- Ngoài ra, một số bài tập khác cũng có thể được chỉ định tùy thuộc vào từng trường hợp.
- Nếu bong gân khớp cổ chân xảy ra do chấn thương thể thao, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để biết thời điểm có thể quay trở lại tập luyện bộ môn đó.
- Người bệnh còn có thể lựa chọn phối hợp điều trị với các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc Y học cổ truyền như châm cứu, bó thuốc, sử dụng các bài thuốc cổ phương phù hợp với các triệu chứng hiện tại.
Mỹ Ý