Theo News, khoa học gọi bóng đè là liệt thân khi ngủ, xảy ra khi một người tỉnh dậy giữa chừng giấc ngủ, họ cảm thấy tỉnh táo và có thể quan sát mọi thứ nhưng không thể di chuyển hay phát ra bất cứ tiếng động nào dù là nhỏ nhất.
Người trải qua bóng đè thường nhìn thấy những dáng người lạ mặt đứng trong phòng, những người đàn ông trùm mũ thì thầm vào cửa hay một bà lão hom hem tiến về phía mình với cánh tay vươn dài như sắp bóp cổ. Khi bị bủa vây bởi những hình ảnh đáng sợ ấy, họ hoảng loạn và hy vọng tất cả chỉ là một giấc mơ.
Đó là những mô tả thường thấy trong thế giới kinh hoàng của chứng liệt thân khi ngủ, nơi ác mộng và thực tế đan xen.
Trải nghiệm của người trong cuộc
Bóng đè hay chứng liệt thân khi ngủ được định nghĩa là hiện tượng trong đó người mắc hầu như bất động khi cơ thể ở trong quá trình chuyển tiếp từ ngủ sang thức. Nói một cách đơn giản, đó là lúc não đã tỉnh trong khi cơ thể chưa kịp ra khỏi giấc ngủ. Theo các chuyên gia, mọi người đều trải qua cảm giác bị bóng đè ít nhất một lần trong đời.
Được mô tả là "tỉnh giấc giữa cái chết", liệt thân khi ngủ tạo ra những ảo giác đáng sợ cho người bệnh mãn tỉnh. Nhiều bệnh nhân mô tả họ thường nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm nhận sự hiện diện của ma quỷ trong phòng.
Naaz Hussai, cô gái 24 tuổi sống tại Sydney, Australia, cho hay cô bị bóng đè hầu như đều đặn mỗi tuần một lần. Vào những giai đoạn áp lực, trải nghiệm này thậm chí có thể tái diễn hàng đêm.
"Tôi tỉnh giấc và nhìn thấy một tên sát nhân bằng rìu đang dộng ầm ầm vào cửa", Hussai nhớ lại. "Hoặc tôi đang nằm dài và rồi một con nhện khổng lồ từ đâu tới bò lên người mình".
Hussai cũng thấy những dáng người đứng đầu giường, trong góc phòng, đang di chuyển hoặc chỉ đứng yên chăm chăm nhìn cô.
"Đó không chỉ là ác mộng. Bạn thực sự tỉnh giấc và chứng kiến những điều đang xảy ra xung quanh nhưng không thể nào cử động. Bạn bất lực quan sát chính mình mắc kẹt trong một bộ phim kinh dị. Đó là lý do khiến trải nghiệm này trở nên cực kỳ đáng sợ", Hussai nói.
Lần đầu trải nghiệm cảm giác bóng đè, Hussai vô cùng hoang mang cho tới khi tự mình nghiên cứu trên Internet, nơi những người đồng cảnh chia sẻ trải nghiệm tương tự. Từ đó, cô gái chấp nhận sự thật và học cách chung sống với hội chứng lạ lùng này.
Chary Gauani, từ Isabela, Philippines, mắc liệt thân khi ngủ suốt bốn năm và gặp phải trải nghiệm tồi tệ nhất cách đây hơn một tuần.
"Tôi cảm giác mình sắp bị cưỡng hiếp. Có ai đó nằm đè lên người và ghì chặt tôi xuống giường. Tôi nghe tiếng thở nặng nề như thể họ đang ôm mình từ đằng sau", cô nói.
Chứng kiến chính mình trong cơn ác mộng "bị thần chết hút hồn", một bệnh nhân khác chia sẻ với News về những bóng đen khổng lồ lởn vởn trên đầu.
"Tôi hoảng sợ và nhìn thấy em gái nằm cạnh mình. Dù muốn hét to cầu cứu nhưng tôi không thể nhúc nhích. Tôi thực sự nghĩ rằng thần chết sẽ chồm tới rồi hút hồn mình. Và khi càng cố gắng chống cự, tình hình càng tồi tệ hơn", bệnh nhân này kể.
Đối với một người khác, các ảo giác của cô là vô hình nhưng có thể lắng nghe.
"Tôi không nhìn thấy gì song lại nghe rõ ràng giọng nói của những người đàn ông cạnh giường. Họ nói sẽ giết tôi còn tôi chỉ biết nằm đó, sợ hãi và bất lực. Tôi cố gắng kêu lên nhưng không thể", cô nói.
Trải nghiệm khi bị bóng đè còn có thể mang tính cá nhân với một số người. Một phụ nữ cho biết cô thường nhìn thấy một bé gái 8 tuổi và tin rằng đây là đứa con gái đã mất khi cô phá thai ở tuổi 18 cách đây đúng 8 năm.
Nguyên nhân
Con người đã dành nhiều thế kỷ để tìm cách lý giải các trải nghiệm lạ lùng như bóng đè với những niềm tin riêng từ các nền văn hóa khác nhau.
Ở nhiều nước châu Âu phổ biến câu chuyện dân gian về một yêu tinh quỷ quyệt thường bóp cổ con người khi ngủ. Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, linh hồn ma quỷ được nhìn thấy có tên là jiin, chỉ bị trục xuất bởi những câu kinh Koran. Tại Nigeria, Zimbabwe và Ethiopia, bóng đè lại được xem như một dạng quỷ ám.
Dù những mô tả khiến nhiều người liên tưởng tới hiện tượng tâm linh kỳ bí, các chuyên gia cho rằng vấn đề chỉ nằm ở chỗ con người bị não bộ đánh lừa.
Tiến sĩ Dev Banerjee, một bác sĩ chuyên về giấc ngủ tại Viện nghiên cứu y học Woolcock, Sydney, đã gặp nhiều bệnh nhân mắc chứng liệt thân khi ngủ. Ông cho biết, hiện tượng này xảy ra ở giai đoạn sau của giấc ngủ là REM (cử động mắt nhanh), thời điểm xuất hiện nhiều giấc mơ sống động.
"Ở giai đoạn ngủ REM, trương lực cơ giảm đáng kể như một cơ chế nội tại ngăn cơ thể hành động trong mơ. Lúc này, con người nhìn thấy nhiều hình ảnh, lý giải cho các ảo giác hay cảm giác thức giấc trong những giấc mơ kỳ quặc của các bệnh nhân liệt thân khi ngủ", ông nói.
Chuyên gia này cho biết liệt thân có xu hướng xảy ra ở người gặp khó khăn khi chuyển từ giai đoạn REM sang tỉnh giấc hoàn toàn, mặc dù nguyên nhân gây ra khó khăn này vẫn chưa rõ ràng. Do đó, hiện tượng này không hoàn toàn thuộc về một phía ngủ hay thức, mà ở vùng đan xen.
Theo tiến sĩ Benerjee, bóng đè hay liệt thân khi ngủ phổ biến ở những người trẻ tuổi, nhưng không phải một rối loạn thần kinh. Người ngủ ngửa dễ bị bóng đè hơn vì tư thế này thường gây ngáy, có thể dẫn tới cảm giác nghẹt thở. Điều này có thể giải thích vì sao nhiều bệnh nhân thường nhìn thấy ma quỷ đè ngực hoặc bóp cổ làm họ không thở nổi.
Niềm tin tôn giáo cũng thường được nhiều người cầu cứu khi tin rằng linh hồn ma quỷ là thủ phạm đằng sau những hình ảnh rùng rợn mà họ gặp phải.
Stacey De Silva, một huấn luyện viên ở Queensland, Australia cho biết cô đã trải qua tình trạng này khi còn là một bé gái. Stacey bị đè chặt xuống giường và nghe bên tai tiếng rít ngày một lớn.
Cô cho biết đã vượt qua ám ảnh bằng tín ngưỡng và kể rằng lần cuối gặp phải những hình ảnh kinh sợ đó, cô bắt đầu đọc Kinh thánh và tới nhà thờ. Từ đó trở đi, hiện tượng này không còn xảy ra nữa.
Tuy nhiên tiến sĩ Banerjee bác bỏ giả thuyết trên, lập luận rằng bóng đè chỉ là cách phản ứng tự nhiên của não bộ khi mất ngủ.
"Quan trọng là tránh mất ngủ hoặc thời gian biểu nghỉ ngơi lộn xộn", ông khuyên. "Một vài bệnh nhân thường gặp tình trạng này khi mắc một hội chứng khác liên quan tới giấc ngủ gọi là chứng ngủ rũ, nhưng với nhiều người đây là hai tình trạng riêng biệt".
Chuyên gia này cũng khẳng định liệt thân khi ngủ là vô hại. Mặc dù trải nghiệm có thể khiến nạn nhân sợ hãi song không để lại tác dụng thể chất hoặc tâm thần nào dài lâu. Chìa khóa để phòng tránh vẫn là duy trì lịch ngủ khoa học và chất lượng.
Xem thêm: Hiện tượng bóng đè dưới góc nhìn khoa học
Thu Hiền