Đại đa số chúng ta không xa lạ gì với việc gặp ác mộng ban đêm và thường tỉnh dậy trong sợ hãi và toát mồ hôi lạnh. Nhưng đối với bà Mary Lucy Arnold-Forster, sự việc lại không diễn ra như vậy, vì bà đã khám phá ra phương pháp để điều khiển giấc mơ theo ý mình và tận hưởng từng giây phút hồi hộp của giấc mơ với sự thích thú.
Sinh năm 1861 và lớn lên trong một gia đình quý tộc Anh, bà xuất bản cuốn sách "Nghiên cứu về những giấc mơ" vào năm 1921, hướng dẫn tỉ mỉ những phương pháp kiểm soát giấc mơ, dẫn dắt giấc mơ đi theo chiều hướng một cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Mơ mà như tỉnh hay giấc mơ minh mẫn không phải là khái niệm xa lạ, nhưng không nhiều người nghiên cứu và khai thác tiềm năng của giấc mơ có định hướng. Bà Mary đã sử dụng những cuộc phiêu lưu trong mơ của mình để tìm kiếm những bí ẩn lớn nhất về giấc ngủ của con người. Đó là điều gì xảy ra với tâm trí của chúng ta trong vùng ranh giới mờ kỳ lạ giữa hai trạng thái ngủ và thức? Những hình ảnh trong giấc mơ của chúng ta đến từ đâu? Và tại sao những ký ức trong mơ lại nhanh chóng tan biến đi khi tỉnh dậy?
Giải pháp mà bà tìm ra để định hướng giấc mơ là phải lặp đi lặp lại một câu nói kiểu như thần chú suốt ngày và nhất là ngay trước khi đi ngủ.
"Đó chỉ là giấc mơ; khi tỉnh dậy, giấc mơ sẽ kết thúc và mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp hơn", bà tâm niệm. Khi việc niệm thần chú liên tục phát huy tác dụng trong giấc mơ, tức là bản thân vẫn có ý thức trong khi ngủ, đạt đến cái gọi là giấc mơ minh mẫn. Và một khi đã nhận ra bản chất của giấc mơ, đã ý thức được việc không phải choàng tỉnh vì sợ hãi khỏi ác mộng, lời khuyên của Mary là hãy đắm mình trong tưởng tượng và vui chơi trong những cuộc phiêu lưu liều lĩnh.
Điều bà đặc biệt say mê là để tâm kiểm tra, đẩy đến tận cùng các giới hạn của cơ thể trong khung cảnh giấc mơ và thật đáng ngạc nhiên, sau nhiều nỗ lực luyện tập, trong những giấc mơ của mình, bà có thể bay lượn như bất kỳ loài chim nào trên bầu trời, thậm chí cả những chặng bay dài qua Đại Tây Dương.
Khả năng bay trong giấc mơ đã được Allan Hobson, hiện là giáo sư Đại học Y Harvard, chứng thực bằng chính những trải nghiệm của bản thân khi làm theo hướng dẫn trong cuốn sách của bà, sau những ca trực vất vả ở bệnh viện.
"Tôi đang ngủ mơ và cũng nhận thức được cực kỳ rõ ràng là tôi đang mơ; tôi đồng thời cũng hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, tôi có thể thức dậy bất cứ lúc nào, tôi hoàn toàn có thể quan sát mọi thứ trực tiếp ngay trong giấc mơ của tôi", Hobson mô tả cảm xúc của mình sau trải nghiệm.
"Giống như Mary Arnold-Forster, tôi có thể bay khắp mọi nơi, làm đủ mọi thứ tôi thích. Bản thân tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục sau trải nghiệm tuyệt vời này, rằng tiềm năng khoa học to lớn của giấc mơ không chỉ hiện hữu mà còn cực kỳ hứa hẹn".
Ông cộng tác với Ursula Voss ở Đại học Goethe tại Frankfurt, kiểm tra điện não đồ những người đạt đến trạng thái mơ mà như tỉnh.
Tuệ Lâm