Câu chuyện cổ tích được Leipzig kể từ năm 2009, nhưng phải ba năm sau đó, khúc cao trào mới xuất hiện.
Ralf Rangnick, người từng chắp cánh cho tài năng của Manuel Neuer và đưa Schalke 04 vào bán kết Champions League mùa 2010-2011, được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Thể thao của Leipzig, theo lời mời từ Trưởng phòng Bóng đá toàn cầu Red Bull - Gerard Houllier. Sau buổi họp kéo dài bốn tiếng, Rangnick quyết định theo đuổi lối chơi tấn công cho Leipzig và tìm kiếm những cầu thủ phù hợp. Một yêu cầu bắt buộc, họ phải dưới 23 tuổi và giá rẻ.
Những phương châm của Rangnick chẳng mới, nếu như không muốn nói là đã được nhiều CLB khác đi trước áp dụng, như Porto hay Sevilla. Sinh sau đẻ muộn, Leipzig khó lòng cạnh tranh với mạng lưới tuyển trạch phủ khắp toàn cầu của những cây đa cây đề. Tuy nhiên, đội bóng Đức vẫn thành công. Naby Keita là một điển hình. Tiền vệ người Guinea là hợp đồng kỷ lục của CLB, được mua với giá 35 triệu USD hè 2016, nhưng hai năm sau, Leipzig vẫn thu lãi khi nhượng lại cho Liverpool với giá gần gấp đôi. Tương tự vậy là Timo Werner, người vừa cập bến Chelsea, vốn được chiêu mộ từ đội xuống hạng Stuttgart. Những trụ cột khác đến với đội bóng Đông Đức khi còn vô danh: cầu thủ chạy cánh người Thụy Điển Emil Forsberg từ Malmo, hay Marcel Sabitzer từ Rapid Vienna.
Bí quyết của Leipzig nằm ở chỗ, họ tuyển lựa và trui rèn cầu thủ theo hệ thống. Leipzig là một trong năm CLB bóng đá được Tập đoàn Red Bull tài trợ, cùng với Salzburg, Liefering (Áo), New York Red Bulls (Mỹ) và Red Bulls Brasil (Brazil). Bất cứ cầu thủ trẻ nào, nếu được hệ thống Bóng đá toàn cầu của Red Bull phát hiện, đều có thể tìm thấy cơ hội chơi bóng ở đội một, tại một trong năm đội kể trên. Tyler Adams, người vừa ghi bàn quyết định loại Atletico được phát hiện từ New York Red Bulls lúc 11 tuổi. Sáu năm sau, anh ra mắt đội một và thêm hai năm đạp cỏ MLS, cầu thủ đa năng này được chuyển đến Leipzig. Sabitzer, người in dấu giày trong cả hai bàn tối 13/8, cũng vậy. Sau khi ký hợp đồng với Leipzig, tiền vệ người Áo được cho mượn một năm tại Salzburg để tích lũy kinh nghiệm. 21 tuổi, Sabitzer trở về, giữ vị trí trụ cột suốt năm mùa qua, và hiện là cây săn bàn số một sau khi Werner ra đi.
Mô hình mà Red Bulls theo đuổi tương tự như City Football Group của các ông chủ Man City, nhưng thành công hơn trong việc biến những cầu thủ trẻ thành ngôi sao. Nhiều học viện bóng đá danh tiếng như La Masia - rất giỏi trong việc phát hiện và rèn kỹ năng cho cầu thủ, nhưng bí đầu ra ở đội một. Southampton, Ajax thường phải bán lúa non vì sức ép tài chính. Còn Red Bulls, với đại diện tiêu biểu là Leipzig, có cả hai. Họ vừa tạo ra những cầu thủ hợp triết lý, vừa có đủ đầu ra cho các thành viên học viện: Hàng loại A đến Leipzig, loại B tới Salzburg, còn thấp hơn thì rèn luyện thêm hoặc chấp nhận chờ thời.
Để phục vụ cho cả một hệ thống khổng lồ như vậy, Red Bull đầu tư nhiều trang bị tối tân. Tại cơ sở quận Liefering, Salzburg (Áo), họ có sáu sân bóng ngoài trời, một sân trong nhà, một phòng gym, một phòng vật lý trị liệu, một phòng tập thể lực có gắn chip đủ đáp ứng cho 200 học viên. Mọi thông số cầu thủ trong quá trình tập luyện đều được thu thập và phân tích trên máy tính. Thay vì tập chung giáo án, mỗi cầu thủ sẽ có một chương trình riêng. Nhiệm vụ của họ là đăng nhập tài khoản lúc vào phòng tập, nuốt trọn giáo án rồi chờ phản hồi từ HLV. Nhờ những công nghệ được trang bị tới tận răng này, đội U19 Salzburg vô địch UEFA Youth League năm 2017, chỉ ba năm sau khi học viện mở cửa.
Bóng đá chỉ là một trong nhiều mảng thể thao mà Red Bull đầu tư, bên cạnh hai đội xe F1. Tuy nhiên, đó là mảng mũi nhọn, giúp tập đoàn dễ quảng bá hình ảnh nhất tới công chúng. Năm 2009, khi đã cơ bản hoàn thành một hệ sinh thái Red Bull ở nhiều nước, hãng nước tăng lực có trụ sở tại Áo muốn có một cái tên tiên phong trong môn thể thao vua. Ban đầu, họ định chọn Dynamo Dresden hoặc Sachsen Leipzig, những CLB giàu truyền thống ở Đông Đức, để rút ngắn hành trình lên Bundesliga, nhưng nguy cơ tiềm ẩn từ các nhóm ultra khiến Red Bull chọn SSV Markranstadt, một CLB được ví như bé hạt tiêu và thi đấu ở giải đấu hạng Năm - theo thứ tự phân hạng của bóng đá Đức.
Trong xã hội Đức, không gì phân biệt rõ nét hai miền Đông - Tây như bóng đá. Trong đội hình vô địch World Cup 2014, duy nhất Toni Kroos đến từ Đông Đức. Chớp lấy đặc điểm này, Red Bull chủ trương xây dựng bản sắc lại từ đầu cho đội bóng họ mua, và không gì thuận tiện hơn một CLB ở Đông Đức, nơi người hâm mộ chưa bao giờ thôi ước mơ được sánh ngang những đế chế như Bayern Munich, Borussia Dortmund. Từ chỗ hoài nghi và phản đối, lượng khán giả đến Red Bull Arena cổ vũ Leipzig (tiền thân là SSV Markranstadt) tăng đều hàng năm, từ chỗ hơn 2.000 những năm đầu thập niên 2010, giờ mỗi trận họ đón hơn 40.000 lượt khán giả.
Đẳng cấp một CLB không thể chỉ được xây dựa trên truyền thống mà còn được bù đắp từ những nỗ lực hiện tại. Quá khứ của Leipzig là một trang giấy trắng, nhưng hiện tại của họ được lấp đầy bằng rất nhiều tiền. 30 triệu USD chi phí cải tạo hệ thống đào tạo trẻ, 60 triệu đến 80 triệu USD tiền mua cầu thủ mỗi mùa trong bốn năm qua. Khi Ralf Rangnick đến Leipzig năm 2012, mọi sự đã chín muồi. Thầy cũ của Neuer chuyên tâm vào công việc ông giỏi nhất: duy trì triết lý CLB bằng những cầu thủ có sẵn hoặc mua về. Hết mùa 2015-2016, họ giành quyền lên chơi Bundesliga, và lập kỷ lục thăng bốn hạng trong vòng sáu năm. Trong quãng thời gian Rangnick ở Leipzig, đôi lúc CLB bị lệch quỹ đạo. Mỗi lần như vậy, ông không nề hà chuyện ngồi ghế HLV (hai lần), vì tin rằng bất cứ HLV nào khác, nếu không hiểu tư tưởng phát triển của CLB, đều có khả năng phá hỏng thành quả suốt một thập niên qua.
"Nó mang lại cho bạn đôi cánh...", người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Leipzig, Dietrich Mateschitz từng nói về triều đại Red Bull, ám chỉ khẩu hiệu toàn cầu hóa của thương hiệu. Tất nhiên, Mateschitz không chỉ nhắc đến thức uống năng lượng của tập đoàn, mà còn là triết lý đa quốc gia, đa nền tảng mà Red Bull gây dựng. Ông từng phải chạy vạy khắp Đông Đức, nơi có nhiều CLB đã thành lập hoặc giải thể từ khi nước Đức thống nhất năm 1990, cũng là nơi mà các giải đấu hạng bán chuyên (từ hạng Tư trở xuống) được tổ chức với thể thức khác hẳn nhau. Ngay cả khi Mateschitz đàm phán mua thành công SSV Markranstadt và đổi tên thành RasenBallsport Leipzig, một đội mới toanh được thành lập ở Markranstadt lấy lại tên này, chơi ở giải hạng Bảy theo luật mà mỗi đội ra sân có tới 15 người.
Tạo dựng, phát triển, thoái trào rồi sụp đổ, quá trình ấy diễn ra liên tục với bóng đá Đông Đức nhiều thập niên. Cho tới lúc Leipzig lên Bundesliga năm 2016, thành phố này mới chấm dứt 22 năm không đội nào chơi ở giải hàng đầu nước Đức. Guido Schafer, phụ trách truyền thông của thành phố Leipzig nói: "Điều này tốt cho thành phố, tốt cho Đông Đức. Cả thành phố yêu mến RB Leipzig, bên cạnh hai CLB truyền thống là Chemie và Lok Leipzig. Ai cũng hiểu, ý nghĩa của việc có một CLB như thế đáng giá ra sao".
Nhưng tình yêu dành cho Leipzig chỉ gói gọn trong thành phố. Luật của Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) quy định, bất cứ CLB nào cũng phải hoạt động theo quy tắc "50+1", nghĩa là các thành viên, chủ yếu là người hâm mộ, phải sở hữu phần lớn cổ phần và có quyền quyết định những chuyện như giá vé vào sân. Leipzig đối phó bằng cách họ chỉ trao quyền biểu quyết cho 17 thành viên, chủ yếu là những người có quan hệ mật thiết với Red Bull. Thay vì duy trì Hội CĐV đông đảo, lên tới gần 300.000 người như Bayern Munich, số lượng fan ruột của Leipzig chỉ vài trăm. Nguyên do là phí hội viên của Leipzig lên đến gần 1.000 USD, thay vì khoảng 60-70 USD như các đội bóng khác.
Red Bull và những người làm bóng đá ở Leipzig chủ trương xây một đội bóng khác với cách truyền thống. Họ bảo lưu quan điểm ấy bất chấp phản ứng dữ dội từ đa số các CLB Bundesliga. Xe buýt của Leipzig từng bị CĐV Cologne chặn khi tới sân khiến trận đấu chậm hàng chục phút. Một chiếc đầu bò (biểu tượng của Leipzig) bị một nhóm CĐV ultra đập nát và vứt xuống sân Red Bull Arena. CĐV Dortmund từng từ chối đến Red Bull Arena với lý do "không thể đút tiền vào túi Red Bull". Khi Leipzig đối đầu Wolfsburg, một CLB cũng phát triển gần giống họ và được hãng xe Volkswagen tài trợ, tạp chí bóng đá nổi tiếng Đức Kicker châm biếm gọi đây là trận "El Plastico", một cách chơi chữ liên hệ với trận "El Clasico" ở La Liga, ám chỉ hai đội đều là những CLB bằng nhựa - phát triển không bền vững.
Vượt lên trên tất cả, Leipzig vẫn giữ đà tiến lên phía trước. Ba trong bốn mùa gần nhất, họ cán đích Bundesliga trong top 3. Và khi lượng đã đủ, Leipzig bắt đầu biến đổi về chất. Đội bóng Đức lần lượt vượt qua những tên tuổi gạo cội ở Champions League là Tottenham và Atletico để lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết giải đấu số một châu Âu. Có một chi tiết đáng chú ý, Leipzig đã đạt đỉnh thành công trong năm chuyển giao quyền lực ở vị trí Giám đốc Thể thao, khi Rangnick nhường ghế cho Markus Krosche.
James Powell, Giám đốc Điều hành Red Bull tại Carteret Capital, cho biết Leipzig nói riêng và đế chế Red Bull nói chung cùng hưởng lợi từ hệ thống toàn cầu. Từng thành viên trong ngôi nhà Red Bull vừa đảm bảo mục tiêu thể thao vừa có thể thu hồi vốn đầu tư trong ngắn hạn. Chẳng hạn thương vụ trao đổi Hannes Wolf, Amadou Haidara giữa Salzburg và Leipzig hồi hè 2019 cùng giúp hai đội thu lãi ròng từ hoạt động chuyển nhượng (nguyên nhân sâu xa nằm ở cách ghi dòng tiền trong báo cáo tài chính của một CLB bóng đá). Hoặc HLV Jesse Marsch đã làm việc ở ba CLB của nhà Red Bull là New York, Leipzig và Salzburg.
Trái ngọt của Leipzig hôm nay vốn được tính toán kỹ từ 10 năm trước, khởi đầu từ việc bổ nhiệm Gerard Houllier vào vị trí Trưởng phòng Bóng đá toàn cầu. Nhờ quan hệ rộng rãi ở quê nhà, Houllier mang đến cho Leipzig rất nhiều trụ cột vốn là tuyển thủ U21 Pháp như Dayot Upamecano, Ibrahima Konate, Nordi Mukiele, và Christopher Nkunku. Một ngày không xa, chính những cầu thủ này có thể đá các đàn anh như Raphael Varane, Paul Pogba, hay N'Golo Kante lên ghế dự bị.
Lúc ấy, mục tiêu của Leipzig ở Champions League chắc chắn không còn là "tiến càng xa càng tốt" như lời HLV Julian Nagelsmann nói trước trận gặp Atletico.
Thắng Nguyễn (theo BBC)