“Người hâm mộ Bundesliga nổi giận với sự gia tăng của các 'CLB bằng nhựa' tại bóng đá Đức, trong đó có RB Leipzig. Các CĐV trung thành và quá khích của những đội giàu truyền thống lo sợ rằng những CLB sống dựa vào tiền tài trợ làm thương hiệu có thể phá hủy văn hóa truyền thống của giải đấu số một nước Đức”, AFP đưa tin hôm 13/10.
Năm 2009, hãng sản xuất đồ uống tăng lực Red Bull mua lại SSV Markranstadt – một đội bóng vô danh ở tận giải hạng Năm của thành phố Leipzig. Họ đổi tên đội bóng thành RB Leipzig (RasenBallsport Leipzig), vì bóng đá Đức quy định không được gắn tên của nhà tài trợ trước tên của CLB. Mục tiêu ban đầu của Red Bull là đưa CLB tiến lên hạng Bundesliga trong vòng tám năm, và họ đã đạt được điều đó chỉ trong hơn sáu năm.
Đội hình trẻ nhưng chất lượng của họ gây bất ngờ ngay trong mùa giải đầu tiên xuất hiện ở Bundesliga, khi bất bại qua sáu vòng đầu mùa này. Cụ thể, Leipzig đã đánh bại cả Dortmund và Hamburg, trong khi hòa với hai CLB có tiếng khác của giải là Cologne và Moenchengladbach.
Nhưng các màn trình diễn ấn tượng của Leipzig từ đầu mùa tới nay nhận được rất ít sự tôn trọng từ người hâm mộ bóng đá Đức. Các nhóm quá khích (Ultras) của Bundesliga thậm chí còn tẩy chay CLB tân binh này. Họ bỏ không tới sân xem một số trận đấu của đội nhà với Leipzig. Thậm chí, một chiếc đầu bò bị đập nát đã được CĐV ném xuống sân trong một trận đấu gần đây của Leipzig ở Cup quốc gia Đức, nhằm phản đối nhà tài trợ Red Bull.
Các CĐV quá khích của Cologne thì chặn xe buýt chở đội Leipzig khi trên đường tới sân của họ hồi tháng Chín, khiến trận đấu phải bắt đầu muộn so với lịch ban đầu. Họ còn giăng biểu ngữ “Chúng tôi ghét RB” ở nhiều nơi trong thành phố.
Những người hâm mộ cực đoan của Dortmund thì tẩy chay trận đấu làm khách tại Leipzig hồi tháng trước, bằng hành động “từ chối đút tiền vào túi của Red Bull”.
“Red Bull Leipzig đang dẫn toàn bộ hệ thống bóng đá Đức tới sự thiếu bền vững. Họ chỉ muốn tiêu tiền vào bóng đá để bán được sản phẩm và quảng bá thương hiệu. Đó là điều khác biệt cơ bản so với các CLB truyền thống. Còn các đội như Dortmund, Schalke, Cologne và Bayern Munich muốn kiếm tiền bằng cách chơi bóng đá”, nhà làm phim Jan-Henrik Gruszecki, một CĐV của Dortmund, bình luận trên truyền hình Sport1 của Đức.
Xu hướng ngày càng tăng trong đầu tư vào bóng đá ở Đức. Sự thù địch đối với các CLB được tài trợ tại Bundesliga không phải là điều mới. Nhưng sự xuất hiện của RB Leipzig đã khiến nỗi bất bình lên cao. Ingolstadt, Bayer Leverkusen, Wolfsburg, Hoffenheim và giờ thêm Leipzig, tất cả đều được tài trợ bởi các công ty hoặc những cá nhân giàu có. Không CLB nào trong số này được CĐV yêu quý rộng rãi tại Đức, và bị ví là những “CLB bằng nhựa”, ám chỉ phát triển không bền vững.
Khi Wolfsburg (đội được hãng xe hơi Volkswagen tài trợ) thi đấu với Bayer Leverkusen (đội do công ty dược Bayer tài trợ) ở mùa giải trước, tạp chí nổi tiếng Kicker của Đức đã châm biếm gọi đó là trận 'El Plastico', một cách chơi chữ liên hệ từ trận cầu kinh điển 'El Clasico' giữa Real Madrid và Barcelona.
Về mặt lý thuyết, bóng đá Đức có điều lệ không cho phép các cá nhân hay tổ chức kinh doanh được sở hữu hoàn toàn một CLB. Luật 50+1 quy định rằng một CLB phải nắm giữ đa số quyền biểu quyết của riêng CLB. RB Leipzig đã lách luật bằng cách để các nhân viên của Red Bull sở hữu 51 phần trăm cổ phần CLB, trong khi Red Bull sở hữu 49 phần trăm.
“Đặc thù của văn hóa bóng đá ở Đức là các CLB được thành lập như một hiệp hội, trong đó các CĐV trung thành nắm quyền kiểm soát và ra quyết định liên quan tới đội bóng”, Jonas Gabler, chuyên gia về văn hóa bóng đá Đức, trả lời phỏng vấn AFP.
“Những mong muốn và lợi ích của người hâm mộ luôn được CLB coi trọng. Mối tương tác này giữa người hâm mộ với CLB của họ là một yếu tố thiết yếu của văn hóa bóng đá Đức. Nhưng bây giờ các CĐV có suy nghĩ rằng truyền thống đó đã bị phá vỡ bởi những CLB do các công ty giàu có tạo ra”, Gabler nói thêm.
Người hâm mộ của các CLB truyền thống chỉ trích các đội bóng hình thành theo xu thế mới vì đó là những đội chỉ tồn tại dựa vào một nhà tài trợ, và nhà tài trợ thì có thể sẵn sàng rút tiền đầu tư bất cứ khi nào họ muốn. Các CLB dạng mới này còn chiếm mất chỗ của một đội nào đó giàu truyền thống hơn nhưng kém giàu có. Ví dụ như Leipzig đã đánh bại Nuremberg, đội có truyền thống mạnh ở bóng đá Đức, để giành một suất thăng hạng trực tiếp mùa trước.
Giá vé hợp lý là một đặc trưng của bóng đá Đức so với những nơi khác, nhưng giờ đây CĐV lo ngại các chủ sở hữu CLB có thể sẽ đẩy giá vé lên cao.
Xuân Lộc