Với chiến thắng 3-1 trên sân nhà trước Mainz cuối tuần qua, Leipzig có bảy chiến thắng, ba kết quả hoà trong 10 vòng đầu tiên của Bundesliga. Thành tích đó đưa đội bóng dưới trướng Ralf Rangnick lên sánh ngang với nhà ĐKVĐ và là đội bóng giàu mạnh bậc nhất thế giới Bayern Munich, trên đỉnh bảng điểm.
Muốn lý giải thành công của Leipzig, đội mới hai năm trước còn đá giải hạng Ba trong hệ thống các giải bóng đá Đức, chúng ta phải nhìn về học viện bóng đá rộng lớn của họ. Ở đó, Leipzig có phòng tập thể lực tối tân, ký túc xá cho cầu thủ ngủ lại, phòng tập gym với những bài huấn luyện qua video, hai căng tin (một cho cầu thủ trẻ, một cho những cầu thủ đã lên đội một). Ở cuối tòa nhà là văn phòng của Giám đốc Thể thao Ralf Rangnick.
Ralph Hasenhuttl đang là HLV của Leipzig, nhưng tất cả đều biết người đặt nền móng cho thành công hiện nay chính là Giám đốc thể thao của họ. Rangnick bất ngờ nhận lời làm việc cho Leipzig cách đây bốn năm. Khi ấy, CLB còn đang chơi bóng ở giải hạng Tư. Và ông đã phát triển cho CLB một học viện bóng đá được xem là hiện đại bậc nhất châu Âu. Từ văn phòng, Rangnick có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ sân tập. "Chúng tôi vẫn còn một đoạn đường rất dài phải đi nếu muốn vươn lên đẳng cấp của một CLB hàng đầu", vị này nói. "Nhưng rõ ràng, đội bóng đang đi đúng hướng."
Cánh tay phải của tỷ phú. Leipzig không chỉ đi đúng hướng và còn rất nhanh, bởi Rangnick biết rất rõ: ông chủ của CLB, tỷ phú Dietrich Mateschitz không có nhiều thời gian chờ đợi. Mateschitz được xem là một "Midas thời hiện đại", tức là chạm đâu cũng thành vàng. Từ chỗ là người đồng sáng lập ra hãng nước tăng lực Red Bull danh tiếng, ông lấn sân ngoạn mục sang truyền thông, truyền hình, điện ảnh, tạp chí đua xe F1, và mới nhất là bóng đá.
Trong kinh doanh, Mateschitz không chỉ tạo ra một nhãn hàng mới còn tạo ra cả một thị trường mới: nước tăng lực. Mỗi năm, Red Bull của ông bán sơ sơ ... năm tỷ chai nước tăng lực. Tập đoàn của ông đã có hơn 10.000 nhân viên. Lúc báo chí đang ảm đạm, Mateschitz mạnh dạn xuất bản tạp chí Red Bulletin và một sớm một chiều có chỗ đứng trong thế giới truyền thông. Năm ngoái, Red Bulletin có những bài viết xuất sắc mà đứng tên ở mục tác giả là Jerome Boateng và Claudio Ranieri.
Rồi Red Bull sản xuất chương trình truyền hình (No Limits trên ESPN), làm phim, lập hãng thu âm, trước khi bước chân vào một địa hạt hoàn toàn mới: thể thao. Bên cạnh đội đua F1 mang tên Red Bull, ông còn sở hữu một đội đua Nascar và bốn CLB bóng đá: New Yorks Red Bulls, Red Bull Salzburg, Red Bull Brasil, và RB Leipzig.
Cái tài của Mateschitz là biết chọn đúng người, đúng việc. Ở Red Bull Salzburg và RB Leipzig, ông trao ấn kiếm cho Ralf Rangnick. Đấy là lựa chọn không thể sáng suốt hơn, bởi trong sự nghiệp Rangnick nổi tiếng là người lập ra những kế hoạch. Từ SSV Reutlingen đến Ulm 1846, từ VfB Stuttgart đến Hannover 96, từ Schalke đến Hoffenheim, nhà chiến lược này luôn để lại cho người kế nhiệm một đội bóng có nền tảng tốt hơn rất nhiều so với khi ông đến.
Thầy giáo làng ở Hoffenheim. Rangnick có vẻ ngoài giống một ông giáo, và ông quả thực từng là thầy, dạy Thomas Tuchel, người sau này làm nên tên tuổi ở Mainz 05 và hiện tại là Borussia Dortmund. Tuchel thừa nhận thời gian làm việc cùng Rangnick ở SSV Ulm đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp huấn luyện của ông về sau. Rangnick cũng có những cuộc tranh cãi nảy lửa với Juergen Klopp, từ trên sân cỏ ở giải hạng Nhì (khi Klopp còn ở Mainz, Rangnick ở Hannover) cho đến những cuộc tranh biện trên truyền hình. Họ đều là những nhà cách tân chiến thuật, nhưng Rangnick và Klopp đi theo hai đường khác nhau.
Báo chí Đức đến nay thỉnh thoảng vẫn nhắc lại cái ngày 19/12/1998. Hôm ấy, một Rangnick hãy còn rất mới trong làng cầu nước Đức, đang cùng SSV Ulm dẫn đầu bảng điểm Bundesliga. Trên truyền hình, Rangnick cầm một tấm bảng chiến thuật với những viên nam châm trên ấy và giải thích cho học trò về sơ đồ bốn hậu vệ cách kèm người khu vực. Người Đức lúc đó chê Rangnick là cổ lỗ sĩ bởi thời điểm ấy, đội tuyển quốc gia và tất cả những đội bóng đang chơi ở Bundesliga, trừ Monchengladbach, đều đá với sơ đồ ba trung vệ . Thời ấy, Matthias Sammer còn đoạt Quả bóng Vàng vì chói sáng ở vị trí libero. Từ Frank Beckenbauer qua Lothar Matthaeus và Sammer, lịch sử nước Đức được viết nên bởi những libero như thế.
Nhưng Rangnick đã đúng. Vì Sammer là libero xuất chúng cuối cùng của bóng đá Đức. Sự cạn kiệt tài năng ở vị trí đặc thù này cùng sự phát triển của chiến thuật đã chứng kiến nước Đức chuyển qua đá với sơ đồ bốn hậu vệ suốt từ ấy đến nay.
Nhà cách tân bóng đá. Rangnick chưa từng thi đấu ở đẳng cấp cao nhất. Ông chỉ đá nghiệp dư ở Stuttgart, Victoria Backnang và Southwick FC trước sang Anh du học, ngành... vật lý học thiên thể.
Toàn bộ kiến thức bóng đá của Rangnick đều là tự học. Mong muốn trở thành HLV của Rangnick cháy lên sau khi cùng đội Backnang đá giao hữu với Dynamo Kyiv của Valeriy Lobanovsky vĩ đại năm 1984. "Nhìn họ đá, tôi luôn có cảm giác họ hơn chúng tôi ít nhất một người", sau này ông nói. "Và tôi biết đấy phải là tương lai của bóng đá".
Cũng như Marcelo Bielsa, Rangnick luôn nhấn mạnh vai trò của pressing. Ông không phải là người nghiện kiểm soát bóng như Johan Cruyff và những môn đồ của huyền thoại này, nếu như việc cầm bóng không mang lại một lợi ích cụ thể nào.
Một vài năm sau cuộc hạnh ngộ với Lobanovsky, Rangnick được vài người bạn Italy gửi cho mấy cuộn băng video, ghi hình các trận đấu của AC Milan dưới thời Arrigo Sacchi. Ông từng bỏ nguyên cả một kỳ nghỉ cùng gia đình, chỉ để đọc và xem phương pháp tập luyện của Zdenek Zeman, khi ấy đang cầm quân cho Foggia. Và chính phương pháp mang tính cải cách ấy sau này đã dẫn đường cho SSV Ulm leo lên Bundesliga vào năm 1998. Thành công (và cũng có những tranh cãi) ở Stuttgart, Hannover rồi Schalke càng làm cho Rangnick nổi tiếng với biệt danh "Giáo sư".
Năm 2006, Rangnick lần đầu tiên nhận lời mời làm việc từ một tỷ phú: Dietmar Hopp của Hoffenheim. Chặng đường vươn lên của đội bóng làng này thiết nghĩ không phải nói nhiều nữa. Tờ Süddeutsche Zeitung tóm tắt: "Sự vươn lên của Hoffenheim, cùng với lối chơi trực diện, tốc độ đã góp phần vào sự hồi sinh của cả nền bóng đá Đức".
Đang ở đỉnh cao danh vọng, Rangnick rời Hoffenheim vì mâu thuẫn với chính ông chủ Hopp. Sau khi CLB có được thành công, nhà tỷ phú bắt đầu có những can thiệp về mặt chuyên môn, và điều đó với Rangnick là cấm kỵ. Cũng như triết lý trên sân cỏ của ông là kiểm soát trận đấu chứ không kiểm soát bóng, Rangnick muốn được toàn quyền về mặt chuyên môn. Ông không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với bất kỳ ai, từ chủ cho đến cầu thủ. Ở Schalke, Rangnick căng thẳng với ngôi sao số một lúc ấy là Raul Gonzalez. Trước đó là với Krassimir Balakov ở Stuttgart và Carlos Eduardo ở chính Hoffenheim. Không một ngôi sao nào được phép cao hơn đội bóng, và cao hơn... Rangnick.
Thế nên, sau khi rời Schalke lần thứ hai vào năm 2011, với lý do mà chính ông đưa ra là sức khỏe, Rangnick quyết định sẽ thôi làm HLV. Và đề nghị làm Giám đốc thể thao đến từ ông trùm nước tăng lực Dietrich Mateschitz rất hợp lý. Rangnick nhận một lúc hai việc ở Red Bull Salzburg và RB Leipzig. Sau khi Salzburg ổn định, ông xin nghỉ ở đó, để toàn tâm cho RB Leipzig.
Kết quả là từ giải hạng Ba, RB Leipzig đã vươn lên hạng Nhất và đang cùng dẫn đầu Bundesliga với Bayern Munich. Và họ sẽ có tương lai rất xán lạn, miễn là Mateschitz đừng cho ai can thiệp vào công việc của ông.
Thủy Tiên