Dịch bệnh Covid-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2 đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội thế giới. Ngoài y tế thì hai trong số những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất đó chính là bóng đá và giáo dục. Tại sao tôi phân tích hai lĩnh vực này?
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã hoãn tất cả các giải bóng đá vô địch quốc gia của nước họ, đồng thời cho học sinh nghỉ học. Thậm chí Hồng Kông còn cho học sinh nghỉ đến 20/4. Mông Cổ hay Triều Tiên dù chưa ghi nhận ca nào và đóng cửa biên giới nhưng cũng kéo dài kỳ nghỉ của học sinh tới hết tháng 3. Liên đoàn bóng đá châu Á cũng đã phải hoãn một số trận đấu vì lo ngại dịch bệnh.
Tại châu Âu, nước tâm dịch Italy cũng đã cho đóng cửa trường học tại các vùng có dịch ở miền Bắc nước này. Một số trận đấu thuộc Serie A bị tạm hoãn đến tháng 5. Trận đấu giữa Inter Milan và Ludogrets tại Europa League diễn ra mà không có khán giả. Đi xa hơn, UEFA cũng đang tính tới khả năng hoãn EURO, FIFA cũng xem xét có thể tạm dừng các trận đấu quốc tế vì dịch Covid-19.
Như vậy, có thể thấy rõ, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thì các cơ quan quản lý giáo dục đã phải đóng cửa trường học, cơ quan quản lý bóng đá phải hoãn các trận đấu, xem xét hoãn giải đấu, hoặc buộc trận đấu phải diễn ra mà không có khán giả.
Bóng đá và giáo dục tác động qua lại lẫn nhau, với mục đích chung nhất là tránh tập trung đông người, phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Đã có học sinh tiểu học Nhật Bản, Thái Lan nhiễm Covid-19, cổ động viên đến sân tại Champions League nhiễm virus, rồi cầu thủ bóng đá tại Serie C của Ý cũng đã xác nhận dương tính với nCoV.
Vì thế mà công tác phòng dịch bệnh ở trường học, sân vận động - những nơi dễ tập trung đông người phải được đặt lên hàng đầu, và việc đóng cửa chúng đã phần nào hạn chế điều đó.
Quay trở lại với Việt Nam, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh COVID-19, bởi kế hoạch của họ đã bị đảo lộn.
Học sinh, sinh viên đã nghỉ học để phòng dịch một tháng qua, còn các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cũng phải lùi lại một tháng. Kế hoạch tập trung của đội tuyển quốc gia, phong độ cầu thủ cũng như bài vở, kiến thức của các em học sinh (nhất là cuối cấp) bị ảnh hưởng lớn.
Lịch thi đấu các giải đấu đã phải lùi lại, còn kỳ thi THPT quốc gia và kế hoạch năm học cũng đã bị lùi một tháng so với ban đầu.
Và nếu các cơ quan quản lý bóng đá hay giáo dục tiếp tục hoãn và lùi lại tiếp thì khả năng "vỡ trận" của nền bóng đá và nền giáo dục là vô cùng lớn. Càng nghỉ thêm thì ảnh hưởng đến phong độ và tâm lý của các cầu thủ, thầy Park khó chọn ra những cái tên tốt nhất cho trận chiến quyết định với Malaysia tại chảo lửa Bukit Jalil (trong khi FIFA thì chưa có động thái hoãn các trận đấu quốc tế). Còn đối với học sinh lớp 12 thì các em sẽ không đủ kiến thức để bước vào kỳ thi THPT quốc gia (vốn không thể lùi thêm được nữa vì đã "kịch khung", ảnh hưởng đến năm học tiếp theo).
Cầu thủ nghỉ một năm thì phong độ, thể lực và tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều, không dễ toàn tâm toàn ý chơi bóng. Còn học sinh mà nghỉ một năm thì sẽ gây áp lực rất lớn trong việc lấy lại kiến thức cho các em, khi cái đầu chưa "nóng máy", giống như trạng thái của một cầu thủ vậy. Chưa kể áp lực từ lứa tiếp theo (mà muốn không gây áp lực thì phải sửa Luật Giáo dục) thì lấy đâu trường, lớp để đảm bảo đông đủ các em? Còn cầu thủ, khi không được thi đấu, lương thưởng bị cắt giảm, liệu có đủ tiền nuôi gia đình? Lúc đó thì nền giáo dục và nền bóng đá sẽ trì trệ, không thể phát triển được.
Vậy nên một giải pháp tạm thời được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Bộ Giáo dục đặt ra là buộc phải giữ nguyên lịch thi đấu, và vòng mở màn V-League ngày 07/3 sẽ không có khán giả đến sân.
Còn học sinh THPT quay trở lại trường từ ngày 2/3 để đảm bảo chương trình, còn các em mầm non, tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ từ 1-2 tuần. Dẫu biết nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu câu lạc bộ, hoạt động của các trường tư, nhưng không thể kéo cả con tàu bóng đá và con tàu giáo dục tiếp tục lùi lại thêm được.
Cầu thủ cũng là người lao động và việc họ ra sân cũng là đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình, học sinh lớp 12 thì phải đẩy nhanh tốc độ chương trình cho kỳ thi THPT quốc gia - kỳ thi quyết định tương lai của các em sau 12 năm đèn sách.
Việc đóng cửa trường học, sân vận động vào thời điểm này là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu suy giảm. Một học sinh bị nhiễm virus, rất có thể sẽ lây cho các em trong lớp, rồi nhanh chóng ra toàn trường, giáo viên, cán bộ, cộng đồng xung quanh rồi phụ huynh đưa đón, sau đó lại tiếp tục chuỗi domino khác liên quan đến gia đình họ.
Cổ động viên đến sân nhiễm virus, rất có thể nhanh chóng lây lan ra nhiều cổ động viên khác, thậm chí là cả cầu thủ và ban huấn luyện trên sân, sau đó thì cũng tương tự với học sinh. Tức là chỉ một người nhiễm, thì số người bị lây rất có thể sẽ theo cấp số nhân. Nên nhớ, thể chất người Việt Nam là không tốt bằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Singapore hay Italy, nên mặc dù thời tiết có ấm lên nhưng khi thể trạng đã yếu thì con virus vẫn sẽ lây lan rất nhanh và tác động trực tiếp đến cơ thể.
Khi đó thì ngành y tế sẽ "vỡ trận", bệnh viện thì quá tải, và chúng ta sẽ trở thành một "Vũ Hán". Phải lường trước rủi ro như vậy, như lãnh đạo TP HCM đã dự liệu rằng nếu có trên 1000 nhiễm thì thành phố sẽ vỡ trận.
Do vậy, tôi vẫn muốn cho các cháu trẻ em, học sinh, sinh viên nghỉ học, còn tạm thời khi chưa có thông báo hoãn từ FIFA thì nên không cho phép cổ động viên đến sân. Tôi có chút không yên tâm về trường hợp học sinh THPT khi các cháu vẫn phải đi học, vì lứa tuổi này rất khó quản lý, không thể ngăn các cháu tụ tập mà tụ tập có thể không may gần nguồn bệnh, dễ dẫn đến tình trạng như tôi nói ở trên. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng vào các biện pháp chống dịch của các cơ quan nhà nước. Mong dịch sớm được dập tắt để mọi thứ trở lại bình thường.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.