Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Lào Cai hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng; Bạc Liêu hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Khoa học công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo; Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Cà Mau sáp nhập Sở Ngoại vụ với Văn phòng UBND tỉnh.
Ở cấp huyện, việc hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND thực hiện tại 51 huyện của 21 tỉnh; hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ có 12 tỉnh thực hiện tại 40 huyện; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện có 10 tỉnh thực hiện tại 35 huyện; sáp nhập Phòng Dân tộc với Phòng Lao động Thương binh Xã hội có hai tỉnh thực hiện tại 15 huyện...
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, tính đến 30/9, số Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại thời điểm 30/9 là 110 người.
Có bốn Bộ số lượng thứ trưởng vượt quá quy định là Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đều có 6 Thứ trưởng, vượt quy định một người. Riêng hai bộ Quốc phòng và Công an đang có 9 Thứ trưởng, vượt quá quy định 3 người.
Luật Tổ chức Chính phủ quy định số lượng Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không quá 5, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
"Số lượng Thứ trưởng nhiều hơn so với quy định ở các Bộ nói trên chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ, như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về Trung ương", Chính phủ lý giải.