Đường bay của tên lửa Hwasong hôm 28/7
Triều Tiên đêm 28/7 phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 thứ hai. Quả đạn đạt độ cao 3.700 km, bay xa 998 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản và có thể đạt tầm bắn thực tế tới 10.400 km nếu được phóng ở góc chuẩn 45 độ.
John Schilling, chuyên gia tên lửa hàng đầu của Mỹ, sau khi nghiên cứu 4 thành phần chính trên ICBM của nước này cho rằng Bình Nhưỡng đã đạt nhiều bước tiến so với lần phóng Hwasong-14 đầu tiên hôm 4/7, theo Popular Mechanics.
Phương tiện tái nhập khí quyển
Một trong những giai đoạn thách thức nhất với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là việc tái nhập khí quyển Trái Đất (hồi quyển). Việc giữ đầu đạn hướng tới mục tiêu khi đang di chuyển ở vận tốc siêu vượt âm là rất khó khăn, bởi ma sát với không khí hình thành một lớp plasma siêu nóng bao quanh thiết bị hồi quyển.
Phương tiện hồi quyển của ICBM phải bao gồm một lá chắn nhiệt được thiết kế để cháy và bốc hơi, bảo vệ phần còn lại của đầu đạn. Nhà sản xuất phải đảm bảo vật liệu bốc hơi một cách đồng nhất và đối xứng, bất kỳ sự sai lệch nào cũng khiến đầu đạn lệch hướng và bắn trượt mục tiêu.
Vật thể nghi là đầu đạn ICBM Triều Tiên rơi xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản.
Đài truyền hình Nhật Bản NHK ghi được hình ảnh một vật thể chói sáng lao xuống ngoài khơi tỉnh Hokkaido vào đêm Triều Tiên thử tên lửa. Chuyên gia tên lửa Michael Elleman của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng đây có thể là phần đầu đạn phát sáng do nhiệt độ cao, gây ra bởi ma sát trong quá trình hồi quyển. Vật thể không có dấu hiệu bị vỡ nát mà rơi xuống theo quỹ đạo ổn định, cho thấy Triều Tiên có thể đã làm chủ công nghệ hồi quyển.
Đầu đạn hạt nhân
Các chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng đã đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ năm 2013. Công nghệ đầu đạn này có thể được sử dụng trên ICBM như Hwasong-14.
Hầu hết tên lửa hạt nhân của Triều Tiên có đường kính tầng chứa đầu đạn rộng khoảng 65 cm, phù hợp với loại đầu đạn thế hệ thứ nhất do Bình Nhưỡng phát triển. Tuy nhiên, nước này vẫn còn nhiều thứ phải làm trước khi sở hữu loại đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để đặt lên ICBM. Nếu đầu đạn quá lớn, tầm bắn của ICBM sẽ suy giảm đáng kể, mất khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ.
Khung thân tên lửa
David Wright, giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Mỹ nhận định tên lửa Hwasong-14 dường như có hai tầng đẩy. Điều này cho thấy Triều Tiên lựa chọn nhiên liệu lỏng, thay vì hệ thống nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo này.
Nhiên liệu lỏng cần hệ thống bơm lớn, kết cấu cồng kềnh hơn nhiên liệu rắn. Bù lại, chúng có lực đẩy lớn hơn, cùng khả năng kiểm soát tốc độ tiêu thụ nhiên liệu, trực tiếp ảnh hưởng tới đường bay và tầm bắn của ICBM. Việc sử dụng ít tầng đẩy cũng giảm tỷ lệ xảy ra sự cố trong quá trình thử nghiệm.
Động cơ chính
Hình ảnh từ các vụ thử giúp chuyên gia nhận định về nhiên liệu đẩy được sử dụng trong tên lửa Triều Tiên. Các vụ thử trước đây có nhiều khói, cho thấy Bình Nhưỡng sử dụng kerosene, nhiên liệu chính cho máy bay và tên lửa đời cũ.
Tên lửa Hwasong-14 rời bệ phóng hôm 28/7
Tuy nhiên, hai vụ phóng tên lửa Hwasong-14 tạo ra khói màu vàng, chứng tỏ nhiên liệu có thành phần carbon, trong khi luồng khí xả có màu trong mờ. Nhiều khả năng Triều Tiên dùng hợp chất 1,2-Dimethylhydrazine, loại nhiên liệu giúp tên lửa tăng thêm 15% lực đẩy so với kerosene.
"Động cơ chính của tên lửa này tiên tiến và hiệu quả hơn bất kỳ thứ gì phương Tây dự đoán về chương trình ICBM Triều Tiên", chuyên gia Schilling nhận định.
Duy Sơn