Chủ nhật, 5/1/2025
Thứ ba, 7/3/2023, 11:15 (GMT+7)

Bốn tàu vỏ thép gần 50 tỷ đồng trở thành sắt vụn

Hải PhòngBốn tàu vỏ thép trị giá 12 tỷ đồng mỗi chiếc của ngư dân xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, bị ngân hàng thu hồi, nằm hoang phế ở cảng.

Mỗi tàu dài 28 m, lắp máy Mitsubishi, công suất 822CV, được đóng mới năm 2015 theo chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67/2014.

Hơn một năm nay, các tàu này đều bị ngân hàng thu hồi, nằm tại cảng Nam Hải, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy.

Tàu cá của gia đình ông Nguyễn Văn Chiều (góc trái) nằm cạnh tàu cá của ông Đồng Văn Duy trên cảng. Năm 2014, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển.

Ông Chiều là một trong bốn người ở xã Đại Hợp tham gia chương trình. Gia đình cho biết đã vay 17 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép. "Đóng mới tàu hết 12 tỷ đồng, mua lưới 5 tỷ. Mỗi năm chúng tôi trả lãi 1% còn nhà nước hỗ trợ 6%", bà Mai Thị Luyến, vợ ông Chiều, kể.

Tuy nhiên, tàu chỉ hoạt động được năm đầu, sau đó ngư trường cạn kiệt, chi phí đánh bắt xa bờ cao (mỗi chuyến 180-200 triệu đồng), chịu áp lực lãi vay nên thu không đủ bù chi. So sánh với tàu gỗ, chi phí đánh bắt thấp, gia đình không phải vay ngân hàng nên vẫn có lãi.

Tháng 4/2022, gia đình bà đành giao tàu cho ngân hàng và dừng đi biển.

Nằm cách tàu nhà ông Chiều chưa đầy 10 m là tàu của các ông Nguyễn Văn Thuấn (góc trái) và Nguyễn Văn Vượng. Hai chủ tàu hiện không có mặt ở địa phương.

Ông Hoàng Xuân Tiến, Chủ tịch xã Đại Hợp, cho biết theo nguyên tắc, sau khi thu hồi, bốn con tàu phải được mang về trụ sở ngân hàng. Tuy nhiên, do không có chỗ neo đậu, ngân hàng đề nghị UBND huyện Kiến Thụy cho đỗ tại bến Nam Hải.

Tàu của ông Thuấn hư hỏng nặng nhất trong số bốn tàu vỏ thép, hiện không còn rõ số hiệu. Theo UBND xã Đại Hợp, do làm ăn thua lỗ, đầu năm ngoái, ông Thuấn đánh tàu về cảng Nam Hải đậu, gọi điện cho ngân hàng trả tàu, sau đó đi nước ngoài sinh sống.

La bàn cùng ghế lái tàu vỏ thép từng thuộc sở hữu của ông Thuấn phủ lớp bụi dày, hư hỏng nặng.

Cabin tàu hoen rỉ, ngổn ngang vật dụng. Sau khi nhận lại tàu, ngày 25/12/2022, ngân hàng đã đấu giá với giá khởi điểm hơn 3,3 tỷ đồng, người mua phải đặt trước 335 triệu đồng. Tuy nhiên, quá thời hạn nhận hồ sơ vẫn không có ai mua.

Ngày 14/2/2023, đơn vị phụ trách đấu giá tiếp tục thông báo bán tàu lần hai với giá khởi điểm hơn 3 tỷ đồng. Đến nay, tàu vẫn nằm ở cảng Nam Hải.

Sàn gỗ mục nát trên tàu vỏ thép HP-90735 TS, từng thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Vượng. Tàu được giao lại cho ngân hàng vào cuối năm ngoái.

Đèn pha công suất lớn trên nóc tàu HP-90735 TS chỉ còn là miếng sắt vụn.

Tình trạng tàu vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định 67/2014 hoạt động không hiệu quả, bị ngân hàng siết nợ từng diễn ra ở nhiều địa phương như Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Sàn tàu HP-90735 TS hoen rỉ, bong từng mảng. Từ khi được người dân bàn giao lại cho ngân hàng, bốn con tàu không được duy tu bảo dưỡng nên ngày càng xuống cấp, khó tái sử dụng.

Ngư dân ở cảng Nam Hải cho rằng bốn tàu cá như đống sắt vụn nên giá ngân hàng đưa ra là quá cao, rất khó có người mua. Những tàu này cũng đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, dễ bị đắm và đâm va vào tàu khác khi có bão gió.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP Hải Phòng có 47 tàu đóng theo chính sách từ Nghị định 67 (trong đó có 27 tàu vỏ thép). Ngoài bốn tàu của xã Đại Hợp nằm một chỗ, các tàu khác vẫn đang hoạt động.

Lê Tân