Giữa tháng ba, ông Thức (thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ) nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà 122 m2 của gia đình do ông không thể trả nợ khoản vay 15,8 tỷ đồng. Đây là số tiền trước đó ông vay ngân hàng để đóng con tàu vỏ thép trị giá 16,6 tỷ đồng, đã được ngân hàng bán đấu giá chưa đến 2 tỷ đồng.
Ông Thức là một trong những ngư dân nổi tiếng ở xã Tịnh Kỳ với kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển. Ông từng được Bộ Tư lệnh biên phòng tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp biển đảo, là ngư dân duy nhất của miền Trung đoạt cúp vàng Thủy sản Việt Nam năm 2012. Lúc ấy, ông chủ tàu cao lớn, phong độ thường xuất hiện trên mặt báo với ba con tàu gỗ 1.000 mã lực, thu tiền tỷ mỗi năm và một "bảng vàng" thành tích.
Năm 2014, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển. Các ngư dân tiêu biểu như ông Thức được khuyến khích đóng tàu vỏ thép hiện đại với phương châm "vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo". Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ như ông hình dung.
Sau một năm vay vốn đóng tàu vỏ thép, năm 2017 tàu ra khơi. Năm đầu tiên, thuyền viên chưa quen tàu vỏ thép nên đánh bắt không hiệu quả, nhưng chủ tàu phải trả lương gấp đôi.
Đầu 2018, ông Thức nợ quá hạn nên bị Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi khởi kiện lần đầu. Hai bên sau đó hòa giải, phía ngân hàng rút đơn kiện do thấy ông có thiện chí trả nợ. Đến tháng 11, ngân hàng tiếp tục cho ông vay vốn lưu động để mua ngư lưới cụ.
Đến cuối năm đó, tàu của ông gặp lốc xoáy, bị mất 158 tấm lưới, thiệt hại hai tỷ đồng. Chủ tàu cho rằng, có xác nhận của cơ quan chức năng về thiệt hại này nhưng cơ quan bảo hiểm không chi trả. Còn ngân hàng không tạo điều kiện để ông khắc phục hậu quả, nên tàu nằm bờ, gây thất thu, dẫn đến nợ quá hạn không có khả năng trả.
Bị ngân hàng khởi kiện lần thứ hai vào năm 2019, ông Thức đã gửi đơn cứu xét đến nhiều nơi. Trong đơn, ông cho rằng Nghị định 67 quy định "con tàu là tài sản thế chấp", nhưng ngân hàng ràng buộc ông phải thế chấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nghị định này có quy định, khi tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, ngân hàng nên cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoản vay...
Phản hồi đơn, Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Ngãi khẳng định, Nghị định 67 nêu con tàu là tài sản thế chấp, nhưng không cấm việc ngư dân và ngân hàng thỏa thuận có tài sản đảm bảo khác (ví dụ sổ đỏ). Còn về cơ chế xử lý rủi ro, căn cứ giấy tờ chủ tàu cung cấp, ông Thức không thuộc diện được giải quyết rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Kiến nghị bất thành, năm 2021, con tàu vỏ thép 16,6 tỷ đồng đã được bán đấu giá mà không cần có chữ ký của ông Thức. Bởi theo hợp đồng cho vay, ngân hàng có quyền bán tàu khi người chủ không trả nợ đúng hạn.
Chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước như: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An... Ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.
Tuy nhiên, tình trạng chung là các tàu vỏ thép đánh bắt không hiệu quả, nhiều tàu bị hư hỏng, hoen gỉ dẫn đến việc ngư dân không thể trả nợ. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại liên quan tàu vỏ thép ở mỗi tỉnh lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trước Quảng Ngãi, nhiều ngư dân ở Quảng Nam cũng bị thanh lý tàu vỏ thép.
Theo Thống kê của Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 62 tàu vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 11 tàu thép; 80% hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân.
Chủ tàu Bùi Đức Thanh ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn vay 3,7 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép 5,4 tỷ đồng vào năm 2015. Nhưng sau chuyến ra khơi đầu năm 2016 thành công, thu lãi gần 400 triệu đồng, chủ tàu dần "đuối sức". Những chuyến biển sau, tàu ra khơi gặp thời tiết xấu, có chuyến xảy ra tai nạn lao động trên tàu.
"Đánh bắt không có, phải vay nóng bên ngoài hơn một tỷ đồng lo phí tổn ra khơi và cho bạn đi biển mượn mỗi người 20-30 triệu, sau đó vay tín dụng đen để trả nợ lãi ngân hàng nên nợ chồng nợ", anh Thanh nói và cho biết đến giữa năm 2018 anh bị ngân hàng kiện vì để nợ quá hạn. Con tàu mới đây đã được bán lại cho một ngư dân địa phương với số tiền khoảng hai tỷ đồng.
Cách đó vài km, chủ tàu Võ Văn Tình ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, cũng cầm cố sổ đỏ để vay đóng tàu vỏ thép vào năm 2016 nhưng ba năm sau không trả được nợ. Không muốn ngôi nhà bị bán cho người ngoài, chủ tàu đã thỏa thuận với anh em họ lên ngân hàng "chuộc" sổ đỏ về. Riêng con tàu vỏ thép trị giá 14 tỷ vẫn chưa bán được.
Gần đây nhất, tàu cá vỏ thép của ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) - tàu vỏ thép đầu tiên của Quảng Ngãi, trị giá 14 tỷ đồng (vay Vietcombank Quảng Ngãi) cũng bị bán đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng. Nhưng đã hết hạn mà vẫn chưa có người tham gia đấu giá.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Ngãi, đơn vị cho ngư dân vay tiền mua 6 tàu theo Nghị định 67 (trong đó 5 tàu thép) với gần 76 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ thu nợ được hơn 16,3 tỷ nợ gốc và hơn 400 triệu đồng tiền lãi. Còn hơn 59 tỷ đồng nợ gốc và lãi hơn 18 tỷ đồng, hầu hết ngư dân không có khả năng trả. Ngân hàng đã xử lý bán 4 tàu thép sau một hai năm nằm bờ.
"Khi cho vay theo Nghị định 67, ngân hàng đã thẩm định, đánh giá những ngư dân tốt nhất để cho vay nhưng nợ xấu vẫn xảy ra", ông Hùng nói.
Còn ông Võ Văn Xông, quyền Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh cho rằng, ban đầu các ngân hàng đã thẩm định cho vay quá cao. Đến khi thi hành án, đơn vị gặp khó vì tàu vỏ sắt khó bán, giá thấp hơn nhiều so với giá trị ban đầu, nhưng vẫn không có người mua. Điều này làm cho các án dân sự liên quan đến tàu theo Nghị định 67 bị kéo dài.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo ngân hàng do ngư dân chưa có kinh nghiệm quản lý một tài sản giá trị quá lớn, các tổ chức thiếu sự tiếp sức đã dẫn đến sự thất bại của tàu vỏ thép. Vì cùng là tàu vỏ thép, nhưng tàu được quỹ hỗ trợ ngư dân cấp (ngư dân không phải vay) thì lại thành công.
Thất bại của các tàu vỏ thép đã được đề cập rất nhiều ở các cuộc họp và cả nghị trường Quốc hội, nhưng chưa có chính sách tháo gỡ. Trong lúc đó, các chủ tàu một thời giờ đi làm tài công (lái tàu) thuê cho người khác. Vợ họ, những bà chủ tàu từng nắm tiền tỷ trong tay giờ kiếm tiền sống qua ngày bằng công việc đúc bánh xèo, làm công nhân...
"Tui stress mấy năm rồi. Giờ chỉ mong đi được biển nhưng không ai kêu vì nghĩ tui trước kia làm chủ tàu giờ làm mướn khó sai bảo", ông Thức - chủ tàu lừng lẫy ngày nào nói và cho biết sau thông báo cưỡng chế, ông vẫn ở trong căn nhà cũ, đến khi nào ngôi nhà bị đưa ra đấu giá. Đến lúc này, ông phó mặc cách giải quyết cho cơ quan chức năng.
Phạm Linh