Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 25/6 tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của ông, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng đã hội đàm, hội kiến với bốn lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh.
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo cấp cao hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả, lâu dài.
Các lãnh đạo Trung Quốc đều khẳng định coi trọng quan hệ và muốn làm sâu sắc hơn các mặt hợp tác giữa hai bên. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc và nước này sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện tốt các thỏa thuận, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.
Tại cuộc hội đàm sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhất trí xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển.
Hai lãnh đạo cũng đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, thống nhất các lĩnh vực hợp tác để tăng cường quan hệ song phương. Hai bên sẽ nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối chiến lược phát triển, đẩy nhanh hợp tác cùng xây dựng "Vành đai và Con đường" chất lượng cao.
Hai bên tăng kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Hai nước ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEAN - Trung Quốc, Mekong - Lan Thương, thực hiện tốt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính còn tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc với sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp hai nước. Ông kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược như đường sắt, đường bộ cao tốc, khu công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Chúng tôi mong muốn thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững và ưu tiên chất lượng, công nghệ và bảo vệ môi trường", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Trung Quốc mời thăm Tân khu Hùng An, đô thị kiểu mẫu mới nhất về cải cách mở cửa và đổi mới sáng tạo của nước này tại tỉnh Hà Bắc.
Tại đây, Thủ tướng nghe Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Nghê Nhạc Phong giới thiệu về việc lựa chọn địa điểm, công tác quy hoạch, cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài xã hội để xây dựng Tân khu Hùng An, "thành phố của tương lai".
Thủ tướng đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc trong xây dựng Tân khu Hùng An, cho rằng mô hình này giải quyết được ba "căn bệnh" cơ bản mà các đô thị lớn thường gặp là quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường sống, thiếu nhà ở và điều kiện sinh hoạt đủ tiêu chuẩn cho người dân.
"Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước", Thủ tướng nói.
Trong chuyến công du, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023 diễn ra tại Thiên Tân, do WEF phối hợp với chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là sự kiện kinh tế có quy mô hàng đầu thế giới, quy tụ nhiều lãnh đạo các nước và khoảng 1.400 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu cùng các chuyên gia kinh tế uy tín.
Phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên của hội nghị WEF với chủ đề "Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Đó là suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hậu quả của Covid-19 cùng cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ cũng là thách thức với kinh tế toàn cầu.
Các cuộc xung đột, trong đó có xung đột ở Ukraine, đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Hệ quả là các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất, song khả năng thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài hạn chế. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường cũng cản đường phát triển của kinh tế thế giới.
Theo ông, ba yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế là bảo đảm hòa bình, ổn định, đoàn kết, hợp tác quốc tế; cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện; khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và phát huy tiềm năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được đánh giá cao và trở thành định hướng thống nhất cao tại hội nghị WEF năm nay.
Việt Nam và WEF cũng ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026, tăng hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm như đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không.
Hai bên cũng thúc đẩy các hành động về nhựa, tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo, hợp tác chuyển đổi số và hướng tới thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng đã gặp song phương lãnh đạo Mông Cổ, New Zealand, Babados, những khách mời chính tại WEF, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt trong lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, du lịch.
Nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi của Thủ tướng với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu tại WEF đã truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu về những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, những mục tiêu và định hướng phát triển của Việt Nam.
Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài hiểu hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, tăng cường niềm tin và đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
"Sự tham gia lần đầu của Thủ tướng tại WEF đã tạo dấu ấn tốt với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về vai trò, vị thế, tiềm năng và triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá.