Bốn ngày chuyển hướng chiến lược ở Đại hội VI
Một ngày đông nắng ấm cách đây 30 năm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khai mạc tại Hội trường Ba Đình. Đại hội họp nội bộ từ ngày 5 đến 14/12; họp công khai từ 15 đến 18/12/1986.
1.129 đại biểu tham dự trong đó người có trình độ đại học trở lên là hơn 42%.
30 năm sau, đến Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, số đại biểu chính thức tham dự là 1.510, trình độ đại học trở lên gần 100%.
Trong phiên khai mạc, Đại hội đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn, nhấn mạnh sự đổi mới của Đảng về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ.
Tổng bí thư Trường Chinh đọc bản trích yếu báo cáo chính trị với thông điệp "nhìn thẳng vào sự thật". Báo cáo này đã thừa nhận các khuyết điểm, sai lầm trong giai đoạn từ 1976 đến 1985 và nêu bật những tư tưởng đổi mới chiến lược.
Tiếp đó, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt đọc báo cáo kinh tế xã hội, tập trung vào ba chương trình kinh tế lớn: Lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.
35 đoàn đại biểu quốc tế dự Đại hội VI và phát biểu chào mừng.
Trưởng Đoàn đại biểu Liên Xô E.K.Ligachốp (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng) bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng rằng với báo cáo chính trị, với quá trình làm việc của Đại hội và những nghị quyết mà Đại hội thông qua, một cục diện hoàn toàn mới sẽ mở ra trong sinh hoạt của Đảng và đất nước các đồng chí”.
Đã có 79 bản tham luận được trình bày tại diễn đàn Đại hội VI. Sau 30 năm, nhiều ý kiến tâm huyết vẫn còn tính thời sự.
Đại tướng Lê Đức Anh (lúc này là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), phát biểu: “Bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng. Muốn vậy, chúng ta phải có thực lực mạnh, phải xây dựng cho đất nước ta mạnh lên về mọi mặt trong mọi hoàn cảnh”.
“Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại” là chủ đề bài phát biểu của Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Ông nói: “Một dân tộc dù nhỏ nhưng đi đúng với xu thế của thời đại và phù hợp với quy luật lịch sử thì yếu cũng trở thành mạnh và có thể chiến thắng kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần”.
Theo ông, lúc bấy giờ, việc tranh thủ viện trợ của Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa, của bạn bè cũng như việc đẩy mạnh xuất khẩu là rất quan trọng, nhưng chưa phải là toàn bộ vấn đề kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại... Muốn phát triển, các nước đều phải tìm cho mình vị trí tối ưu trong sự phân công lao động quốc tế. Vị trí tối ưu đó là phải có một số sản phẩm chất lượng cao và giá rẻ.
Từ việc Văn kiện Đại hội xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, ông Dương Văn Phúc (cán bộ về hưu, đại biểu Đảng bộ TP HCM) kiến nghị Trung ương mạnh dạn đầu tư vào Đồng bằng Sông Cửu Long vì “đây là vựa lúa, là kho bạc, là rúp và đô-la”.
“Hơn 10 năm nay, nhân dân đã quá nghèo, có người đã đói. Nếu lấy dân làm gốc thì phải làm sao cho mỗi người dân có một số vốn tích luỹ, nếu họ là nông dân họ phải tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi, đãi lão. Nếu là công nhân lao động, buôn gánh bán bưng, kể cả công nhân viên chức nhà nước và gia đình chính sách, hưu trí, đều phải có vốn tích luỹ đề phòng khi hữu sự của gia đình, như thế mới lấy dân làm gốc. Thực túc binh cường, là không sợ dân giàu vì dân giàu nước mạnh”, ông Phúc phát biểu.
Đại hội VI bắt đầu tiến hành công tác nhân sự trong ngày làm việc thứ ba (17/12/1986). Các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ không ứng cử vào Trung ương khoá mới vì tuổi cao sức yếu. Đại hội nhất trí trao trách nhiệm cho các ông làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương khoá mới gồm 173 người, 124 uỷ viên chính thức, 49 uỷ viên dự khuyết; trong đó có 92 người tái cử. Tuổi bình quân uỷ viên Trung ương khoá VI là 56,1; 116 người ở tuổi từ 40 đến 59; 56 người ở tuổi từ 60 trở lên; một người dưới 40 tuổi.
Ban chấp hành Trung ương khoá VI bầu ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư của Đảng. Trong phát biểu sau đó, ông nhấn mạnh Đại hội lần này đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình kế thừa và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng. Ông cũng thể hiện quyết tâm: "Không một trở lực nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta về phía trước".
Các đại biểu thông qua văn kiện Đại hội VI, xác lập đường lối Đổi mới ở Việt Nam. Với tư tưởng chỉ đạo“giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có”, Văn kiện Đại hội VI nêu các yêu cầu chiến lược, trong có:
Bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư. Thay vì thiên về xây dựng công nghiệp nặng và những công trình quy mô lớn, giai đoạn tới tập trung thực hiện ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu.
Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Thừa nhận trong số các khuyết điểm, sai lầm giai đoạn trước đó, có những biểu hiện nóng vội.
Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế: Xoá bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế...
Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.
Võ Văn Thành
Ảnh: TTXVN