Bố mẹ tôi có ba người con, tôi là anh cả trong gia đình có hai em trai. Nhà tôi nằm trong một con hẻm xe hơi ở quận trung tâm Sài Gòn. Căn nhà được bố mẹ xây khá lâu nên xuống cấp, mùa mưa bị thấm dột và không đủ phòng cho cả nhà ở nếu anh em tôi lần lượt lập gia đình.
Năm 2008, tôi góp 90 triệu đồng để phụ bố mẹ xây lại nhà mới một trệt ba lầu. Đây là những đồng tiền chắt chiu sau những năm đi làm của tôi. Bố tôi mất năm 2011, đến năm 2016 thì mẹ tôi cũng qua đời. Hai cụ đều không để lại di chúc nên căn nhà thuộc quyền sở hữu chung của cả ba anh em.
Khi bố mẹ mất hết, thì tình anh em ít bền chặt. Dù ở trong một ngôi nhà, nhưng ba gia đình nhỏ ở ba tầng, không ai đoái hoài gì tới ai. Trước đó, tầng trệt chúng tôi thống nhất cho một người cùng hẻm thuê để họ bán hàng ăn cho những người trong xóm.
Chúng tôi thống nhất tiền thuê làm quỹ giỗ chạp cho các cụ. Rồi người em kế của tôi làm ăn khấm khá, mua ôtô nên đòi lại mặt bằng để làm chỗ đậu xe. Gia đình đứa em út thì phản đối, nói làm như vậy là mất nguồn thu. Ở chung như vậy, các gia đình hay xích mích, gia đình này để ý gia đình kia mua sắm gì, ăn gì, có đi ăn ngoài thường xuyên không.
Chưa kể đến mỗi nhà có một đến hai con nên lượng người ngày càng tăng lên. Năm 2019 tôi định cưới vợ cho đứa con trai, mời ông bà thông gia đến nhà chơi, họ không hài lòng về việc nhiều thế hệ ở chung nhà.
Tôi cũng lắm băn khoăn vì cưới dâu về rồi, không biết cho hai vợ chồng cháu ở đâu. Năm 2020, tôi mở cuộc họp gia đình, đề nghị bán nhà rồi chia thừa kế làm 3, tôi tin là tài chính mỗi gia đình nhỏ thừa sức mua nhà hoặc căn hộ để ở cho thoải mái. Lúc đó, giá thị trường căn nhà là 7,5 tỷ đồng. Nhưng các em tôi lúc thì chịu, sau lại đổi ý.
Tôi phân tích cặn kẽ, lắm lúc van nài các em đồng ý bán trong bốn năm qua nhưng vẫn bất thành. Lắm lúc tôi chỉ muốn dọn ra căn nhà tôi mua từ lâu ở quận ven thành phố để ở cho thoải mái, nhưng lại nhớ số tiền góp 90 triệu xây nhà, tôi bàn với vợ nếu dọn đi là thua, chẳng khác nào từ chối quyền thừa kế nên cứ lần lựa mãi cũng chẳng thể giải quyết xong vấn đề này.
Cứ thế ba gia đình kèn cựa nhau, xem ai dọn đi trước là kẻ thua cuộc. Nhiều lúc tôi thật mệt mỏi vì không biết làm sao để đi đến thống nhất bán nhà để chia ba?
Phu An
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.