Sinh viên quốc tế đến Australia du học, sau khi tốt nghiệp có nhu cầu ở lại làm việc lâu dài thường xin visa định cư theo diện tay nghề. Hiện nay có ba loại visa phổ biến diện này như sau:
Visa 189 (visa định cư tay nghề độc lập) dành cho những người muốn định cư Australia theo phương pháp tính điểm, mà không cần chủ doanh nghiệp hay ai bảo lãnh. Những tiêu chí tính điểm chính gồm độ tuổi (từ 25 đến 33 tuổi được nhiều điểm nhất - 30 điểm), trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và ở Australia, bằng cấp (bằng tiến sĩ 20 điểm, thạc sĩ/ cử nhân 15 điểm, bằng nghề 10 điểm). Người nộp đơn phải đạt ít nhất 65 điểm, dưới 45 tuổi, có nghề nằm trong danh sách ưu tiên và vượt qua kỳ kiểm định tay nghề của cơ quan có thẩm quyền, IELTS ít nhất 6.0 cho mỗi kỹ năng, có sức khỏe và nhân cách tốt.
Visa 190 (visa định cư tay nghề do tiểu bang đề cử) cũng dựa theo phương pháp tính điểm nhưng khác với visa 189, visa này do chính quyền tiểu bang/vùng lãnh thổ ở Australia bảo lãnh.
Visa 191 thường được gọi là visa định cư tay nghề vùng quê. Đặc điểm của loại visa này là người lao động thường phải đến vùng nông thôn, xa xôi. Du học sinh cũng không được xin thẳng visa 191 mà theo quy định của Bộ Di trú Australia, họ phải đang giữ visa 491 (visa tạm trú do các tiểu bang/vùng lãnh thổ đề cử hoặc người thân bảo lãnh) hoặc visa 494 (visa tạm trú do doanh nghiệp bảo lãnh ít nhất 3 năm và có đầy đủ giấy tờ thuế do Sở Thuế cấp trong thời gian này).
Theo một số du học sinh Việt Nam ở Australia, không dễ dàng để xin được một trong những visa này. Sau đây là bốn kinh nghiệm của họ:
Chọn ngành học
Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng vì ngành nào có nhu cầu cao thì cơ hội định cư cao, việc nhiều, dễ xin, theo Quỳnh Nguyễn, giáo viên mầm non ở Bắc Australia.
Quỳnh đến Australia năm 2020 để theo khóa thạc sĩ giảng dạy giáo dục mầm non tại Đại học Charles Darwin. Đầu năm 2022, cô hoàn tất khóa học và nộp đơn xin visa 485 - visa làm việc cho sinh viên quốc tế sau tốt nghiệp, đồng thời gửi thư quan tâm cho visa 189 và 190. Sau hơn nửa năm, Quỳnh được cấp visa 485 và được mời nộp hồ sơ cho visa 189. Cô nhìn nhận, điểm mạnh trong hồ sơ của mình là tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, một trong những ngành đang thiếu nhân lực trầm trọng.
"Bạn phải chọn ngành mà Australia ưu tiên mời ứng viên định cư, lại phù hợp với mình", Quỳnh nói, cho biết may mắn vì ngành học của mình liên quan trực tiếp tới công việc trước đây ở Việt Nam.
Làm thêm đúng ngành
Đây là kinh nghiệm mà Nguyễn Mạnh Hà ở tiểu bang Victoria đúc kết, sau 9 năm ở Australia.
Hà tốt nghiệp đại học Luật ở Hà Nội, tới Australia du học ngành công tác xã hội (Social Work) ở Đại học Monash, năm 2015. Đây là ngành học luôn nằm trong danh sách định cư tay nghề của Bộ Di trú Australia. Ngành này cũng phù hợp với xu hướng nghề nghiệp của Hà là thích làm công việc cộng đồng.
Như hầu hết du học sinh, Hà đi làm thêm ở nhà hàng để kiếm tiền. Năm 2018, sau khi hoàn tất khóa học và có visa 485, anh vẫn làm ở nhà hàng vì ngại thay đổi.
Đầu năm 2020, visa 485 hết hạn, Hà ở lại theo visa du học của vợ. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến, nhà hàng đóng cửa nên anh mất việc. May mắn là Hà sau đó xin được vị trí nhân viên hỗ trợ người khuyết tật, rồi trở thành điều phối viên hoạt động này. Tháng 3/2021, khi đủ kinh nghiệm làm việc, Hà gửi thư đăng ký visa 190. Sau nhiều thủ tục, hơn một năm sau, anh mới nhận được visa này.
Hà nhìn nhận nếu được làm lại từ đầu, anh sẽ tập trung học hành, dành thời gian giao lưu với thầy cô, bạn bè nhiều hơn để học hỏi và tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, thay vì làm nhà hàng.
Lý do là khi làm thêm đúng ngành, du học sinh sẽ được tính điểm kinh nghiệm trong quá trình nộp đơn xin visa. Ngoài ra, sinh viên nên tìm nơi trả lương đúng quy định, có khai thuế thì sẽ có lợi khi nộp visa sau này.
Linh hoạt
Do chính sách nhập cư của Australia thay đổi liên tục, các du học sinh cho rằng cần có phương án dự phòng, linh hoạt.
Giang Vũ từng trải qua việc này. Anh sang Tây Australia du học thạc sĩ ngành Thương mại điện tử vào năm 2018, dự định xin visa 189. Tuy nhiên, sau đó chính phủ thay đổi luật di trú, điểm để nộp đơn visa này cao "chót vót". Vì khó đáp ứng các yêu cầu mới, Giang chuyển sang Nam Australia, đổi khóa học thành thạc sĩ Quản lý doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Tháng 3/2020, khi có đủ kinh nghiệm làm việc và điểm tiếng Anh, Giang nộp thư xin visa 491. Đây là loại visa tạm trú 5 năm dành cho lao động có tay nghề ở các vùng nông thôn, do tiểu bang Nam Australia đề cử. Ba năm sau, tháng 10/2023 khi đủ điều kiện xin visa 191, Giang nộp hồ sơ và thành công.
Các du học sinh nhìn nhận quá trình xin visa diện tay nghề khá phức tạp, thời gian có thể kéo dài. Vì thế, du học sinh cần có sức bền và quyết tâm cao. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng khi cho con du học, vô tình tạo áp lực cho con cái.
Nhờ dịch vụ di trú
Cả Quỳnh, Hà và Giang đều nhờ công ty làm dịch vụ di trú giúp nộp hồ sơ visa. Chi phí dịch vụ này dao động 7.000-20.000 AUD (112-320 triệu đồng).
"Sử dụng dịch vụ di trú có nhiều điểm lợi là được tư vấn, hỗ trợ kiểm tra hồ sơ, lỡ có trục trặc thì họ sẽ giúp gỡ rối, nhưng mình vẫn phải chủ động tìm hiểu, theo sát chứ không thể phó thác hết", Quỳnh chia sẻ.
Còn Hà cho hay luôn yêu cầu bên cung cấp dịch vụ gửi giấy tờ để mình xem trước khi nộp. Trong khi đó, Giang tự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi loại giấy tờ và sẵn sàng trước thời gian đủ điều kiện khá lâu, trước khi nhờ đến dịch vụ.
Thoại Giang