Sau đây là chia sẻ của Bùi Minh Hạnh, 21 tuổi, quê Hải Phòng, vừa tốt nghiệp ngành Quản trị nhân sự, Đại học Murdoch, thành phố Perth, về kinh nghiệm thuê nhà ở Australia:
Ký túc xá đại học
Hầu hết đại học lớn tại Australia đều có ký túc xá cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, để giành được một suất ở đây vào những mùa cao điểm khá khó khăn bởi số lượng sinh viên đăng ký lớn. Vì thế, du học sinh cần quyết định nhanh chóng và nộp đơn để có được chỗ ở như ý. Thông tin về ký túc xá cũng như cách đăng ký thường được ghi trong thư mời nhập học. Ngoài ra, sinh viên có thể tìm thấy hướng dẫn đăng ký trên các trang web chính thức của trường.
Theo Hạnh, ưu điểm của mô hình này là sự tiện lợi vì phần lớn ký túc của trường sẽ nằm ngay trong khuôn viên hoặc ở gần đó. Đây cũng là lựa chọn an toàn cho các du học sinh lần đầu qua Australia vì được đảm bảo về an ninh, có ban quản lý và hỗ trợ khi cần. Giá thuê phòng ở ký túc xá khoảng 200-600 AUD (3,2-9,7 triệu đồng)/tuần, tùy loại phòng.
Khi mới đến Australia năm 2022, Hạnh ở ký túc xá của Đại học Murdoch với giá 285 AUD (4,6 triệu đồng)/tuần và cảm thấy hài lòng.
Ký túc xá/chung cư tư nhân (Student Accommodation)
Sau một năm ở ký túc xá, Hạnh dọn ra ngoài và chọn căn có hai phòng ngủ, một bếp, một nhà vệ sinh ở ký túc xá tư nhân The Switch, thành phố Perth. Cô chia sẻ phòng với bạn và mất 300 AUD (4,8 triệu đồng)/tuần gồm điện, nước, wifi. Đặc điểm của hình thức nhà ở này là thường ở khu vực trung tâm, đa dạng về loại căn hộ, đảm bảo an toàn cho sinh viên và nhiều tiện ích.
"Nhược điểm lớn nhất là giá cao, 300-700 AUD (4,8-hơn 11 triệu đồng)/tuần", Hạnh nói, cho biết du học sinh có thể tìm nhà loại này qua một số hệ thống như UniLodge, Scape, The Switch, Campus Perth, Yugo Perth.
Hạnh đánh giá ký túc xá trường và ký túc xá tư nhân phù hợp nhất cho sinh viên quốc tế. Đây là hai hình thức thuê an toàn, có bảo lãnh từ nhà trường hoặc một bên công ty cho thuê hợp pháp.
Ở tại nhà dân (Homestay)
Hình thức nhà ở này thường phù hợp với học sinh trung học. Du học sinh sẽ được ở tại nhà của người bản xứ, những người đã được chính quyền thẩm định và cấp phép. Tiền ăn, ở của học sinh được trừ vào tài khoản của bố mẹ các em.
Ưu điểm của hình thức này là chi phí hợp lý, được chủ nhà bảo lãnh, hỗ trợ. Học sinh cũng có cơ hội tiếp xúc với văn hóa, phong tục tập quán của người bản địa. Theo IDP, chi phí để ở homestay dao động 235-325 AUD (3,8-5,2 triệu đồng) mỗi tuần.
Tuy nhiên, cũng như ký túc xá, do nhu cầu nhà ở của sinh viên quốc tế tại Australia cao, việc tìm kiếm được một suất ở homestay hợp lý cũng không đơn giản. Vì thế, học sinh cần chuẩn bị từ sớm để có được một chỗ ở an toàn và như ý.
Một số mạng lưới homestay tại Australia như Australian Homestay Network, Homestay Accommodations...
Thuê nhà tư nhân (Shared house)
Du học sinh có thể thuê nhà trực tiếp của người dân, hoặc qua bên thứ ba. Ưu điểm lớn nhất của hình thức này là chi phí hợp lý và có nhiều mức giá để lựa chọn, thấp nhất là 185 AUD (gần 3 triệu đồng)/tuần. Một số hệ thống tìm nhà kiểu này là Domain, Gumtree. Tuy nhiên, các du học sinh mới nên cân nhắc trước khi chọn thuê nhà tư nhân vì khá rủi ro.
"Bạn thường không kiểm soát được việc mình sẽ ở với ai", Hạnh nói.
Khi thuê nhà, Hạnh lưu ý du học sinh đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, trong đó quy định về tiền thuê nhà và tiền cọc. Số tiền cọc tương đương với một tháng tiền nhà, được hoàn lại khi trả phòng. Ngoài ra, hợp đồng ghi các yêu cầu về giữ gìn đồ đạc, an ninh trật tự, các cam kết giữa chủ nhà và người thuê.
"Nếu vi phạm, chủ nhà có quyền phạt bằng cách trừ thẳng vào số tiền cọc mà họ đang giữ", Hạnh cho hay.
Cô cho biết chưa gặp khó khăn khi thuê nhà nhưng từng phải nộp phạt 300 AUD (4,8 triệu đồng) do kết thúc hợp đồng sớm hơn hạn ban đầu. Cô cũng chứng kiến nhiều bạn bè chọn thuê qua hình thức này, không có sự bảo vệ pháp lý đủ vững chắc nên bị lừa tiền nhà, tiền cọc hay vô tình ở ghép với những người không phù hợp.
Bình Minh (ghi)