Lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 được tổ chức phía bờ Tiền Giang, còn lễ khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại điểm đầu kết nối với cầu, phía tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, hôm sau xe mới được lưu thông qua hai công trình này, vận tốc tối đa 80-90 km/h.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2020. Công trình có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu; điểm đầu nối dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9 km, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đây là dự án cầu dây văng lớn đầu tiên, phức tạp do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế, thi công. Cầu có nhịp chính dài 650 m; hai trụ tháp cao 125,5 m; 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc...
Đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7 km, phía Tiền Giang 4,3 km và phía Vĩnh Long 0,4 km. Hạng mục này trước mắt được đầu tư cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế tối đa 100 km/h; giai đoạn sau sẽ xây dựng 6 làn xe...
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, giai đoạn một có 4 làn xe, mặt đường rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Dự án đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp do Ban quản lý Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, khởi công đầu năm 2021, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối tại cầu Chà Và, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long; giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1. Hai công trình khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian từ TP HCM đến thủ phủ miền Tây chỉ còn hơn 2 giờ, thay vì gần 4 giờ như hiện nay.
Để đảm bảo tối đa hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá ngay trong quá trình thực hiện dự án và quyết định tốc độ khai thác tối đa tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 90 km/h. Đồng thời, để khai thác đồng bộ toàn tuyến từ TP HCM - Cần Thơ, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chấp thuận nâng tốc độ tối đa tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận lên 90 km/h...
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km, có điểm đầu thuộc xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, điểm cuối kết nối với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Mặt đường rộng 17m, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư hơn 3.710 tỷ đồng do Tuyên Quang làm chủ đầu tư.
Dự án hoàn thành đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, giảm ùn tắc và tai nạn trên tuyến quốc lộ 2, rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án mở rộng sân bay Điện Biên gồm xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách từ 300.000 lên 500.000 khách mỗi năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ.
Đường băng được mở rộng thành 2.400x45 m, lề đường băng mỗi bên 7,5 m, có đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương, thay vì các loại nhỏ như ATR, Embraer trước đây
Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.470 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, công tác giải phóng mặt bằng 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án được xem là mắt xích quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc nói chung.