Trương Châu, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Swinburne, chia sẻ kinh nghiệm và những lưu ý với sinh viên quốc tế, sau hai lần sinh ở Australia:
Bảo hiểm y tế cho du học sinh
OSHC (Overseas Student Health Cover) là bảo hiểm y tế, bắt buộc với du học sinh khi điền đơn xin visa ở Australia.
Châu đến Australia cùng chồng nên mua bảo hiểm OSHC Couples, hiện nay khoảng 4.000 AUD, tương đương 64 triệu đồng một năm. Nếu đi riêng lẻ, du học sinh chỉ cần bảo hiểm OSHC Singles với giá 600 AUD. Sau khi sinh, người mẹ phải thêm em bé vào gói của mình trong vòng 60 ngày, để nâng cấp thành OSHC Family với chi phí khoảng 8.000 AUD mỗi năm. Nếu bạn là mẹ đơn thân thì mua OSHC Single Parents, chi phí chỉ bằng một nửa.
OSHC áp dụng thời gian chờ cho thai sản là 12 tháng kể từ ngày bạn có mặt tại Australia bằng visa sinh viên. Nếu chưa đủ 12 tháng, bạn sẽ không được chi trả chi phí khám thai, sinh nở và chăm sóc sau sinh. Chi phí này khoảng 13.000 AUD (208 triệu đồng) nếu bạn chọn bệnh viện công và không gặp vấn đề gì về sức khỏe.
Du học sinh có bảo hiểm OSHC được chăm sóc sức khỏe như người bản xứ. Thông thường, bạn ứng tiền trước khi sử dụng dịch vụ y tế rồi yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả sau. Việc này thường khá dễ dàng, chỉ trong vài ngày, hoặc tối đa hai tuần.
Cụ thể, bảo hiểm OSHC sẽ chi trả một phần chi phí khám thai, xét nghiệm, siêu âm; trả tất cả khoản phí khi người mẹ nhập viện, sinh con, các chi phí chăm sóc sau sinh và chích ngừa cho bé.
Chọn nơi khám và sinh con
Khi dự tính có con, Châu đến gặp bác sĩ gia đình (General Practitioner) để được tư vấn chế độ ăn uống, bổ sung vitamin. Sau khi mang thai, chị đến gặp họ để được tư vấn chăm sóc tiền sản. Ưu điểm của việc này là không phải chờ lâu, chi phí rẻ. Chẳng hạn, chi phí khám với một bác sĩ gia đình người Việt là 50 AUD một lần, được bảo hiểm thanh toán 41 AUD. Trong khi đó, nếu khám thai ở bệnh viện, bạn thường phải chờ 1-2 tiếng, với chi phí 300-400 AUD mỗi lần, mà cũng chỉ được bảo hiểm thanh toán 41 AUD.
Tuy nhiên, khi thai được khoảng 20 tuần tuổi, họ sẽ tư vấn thai phụ đến bệnh viện để tiện theo dõi, chuẩn bị sinh. Các bệnh viện cũng có những lớp dạy tiền sinh sản rất bổ ích.
Vì có OSHC (thuộc bảo hiểm tư) nên Châu được tư vấn đi bệnh viện tư. Nếu sức khỏe tốt, thời gian khám chỉ trong 5 phút. Nếu bạn hoặc con có nguy cơ nào đó, bạn có thể mất nhiều thời gian hơn, được thăm khám thường xuyên hơn và làm thêm xét nghiệm, siêu âm. Đây cũng là dịp để bạn trao đổi với bác sĩ nếu có thắc mắc hoặc lo ngại về điều gì. Tuy nhiên, Châu phải bỏ tiền túi 2.000 AUD trả riêng cho bác sĩ sản.
Khi mang thai đứa thứ hai, do đã biết đường đi nước bước và để tiết kiệm, Châu chọn sinh con ở bệnh viện công. Nhưng những bệnh viện công danh tiếng như The Royal Women’s Hospital ở Melbourne lúc nào cũng kín giường nên thường bạn phải ở trong tuyến (khu vực chỉ định gần bệnh viện) mới được nhận. Ưu điểm của những bệnh viện này là có thể xử lý kịp thời các biến chứng, nếu có.
Thời gian lưu trú tại bệnh viện dài hay ngắn tùy vào sức khỏe của mẹ và bé. Nếu sinh thường, đa số chỉ ở lại một đêm, sinh mổ thì ba đêm là về.
Làm giấy khai sinh và visa như thế nào?
Sau khi sinh xong, bạn phải làm giấy khai sinh ở Australia cho con càng sớm càng tốt vì thời gian chờ giấy khai sinh mất từ 4-6 tuần. Sau đó, bạn phải làm giấy khai sinh và hộ chiếu Việt Nam cho bé. Bạn không cần phải xin visa cho con nhưng phải liên hệ với Bộ Di trú Australia và cập nhật hộ chiếu của bé vào hệ thống để con có visa theo cha mẹ và được ở Australia hợp pháp.
Về quốc tịch, vợ chồng Châu đều mang quốc tịch Việt Nam nên hai con cũng được mang quốc tịch, được cấp hộ chiếu Việt Nam và được miễn thị thực khi về nước.
Nhìn chung, tình trạng cư trú của trẻ sinh ra ở Australia phụ thuộc vào loại visa của cha mẹ tại thời điểm sinh con. Nếu cha hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân Australia, đứa trẻ sinh ra sẽ có quốc tịch Australia. Trong trường hợp cha mẹ có loại visa khác nhau, con sẽ được cấp visa cùng loại với cha nếu visa của cha tốt hơn hoặc ngược lại.
Đứa bé có thể trở thành công dân Australia vào lần sinh nhật thứ 10 nếu như trong khoảng 10 năm đó, đứa bé sinh sống chủ yếu tại Australia. Con một người bạn của Châu khi vừa tròn 10 tuổi là nhận được giấy chứng nhận công dân do Bộ Di trú Australia gửi về nhà. Bộ cũng báo luôn cho trường nơi bé đang theo học để ngừng thu học phí.
Cân nhắc tạm hoãn khóa học
Khi mang thai và sinh con mà sức khỏe không tốt, bạn có thể nộp đơn xin tạm hoãn (defer) khóa học, nhiều nhất là 3 tháng. Nhưng nếu vậy, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành khóa học so với kế hoạch ban đầu và có thể phải xin gia hạn visa du học. Vì vậy, hãy cân nhắc khi xin tạm hoãn.
Trường hợp sức khỏe tốt thì không nên nghỉ thời gian dài như vậy. Nếu bạn cần thêm vài ngày để hoàn thành bài tập theo lịch của trường thì có thể xin gia hạn (extend) mà không phải tạm hoãn. Dĩ nhiên, trường sẽ yêu cầu bạn cung cấp giấy xác nhận của bác sĩ khám hoặc bệnh viện.
Thoại Giang (ghi)