"Các bạn hãy thử xét theo tháp nhu cầu Maslow xem mình đang ở tầng nào:
- Tầng thứ nhất: Các nhu cầu cơ bản nhất thuộc về 'thể lý' (physiological) - như thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
- Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) - cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.
- Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) - muốn thuộc về một cộng đồng, có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
- Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) - cần cảm giác được tôn trọng, kính mến, và tin tưởng.
- Tầng thứ năm: Nhu cầu tự thể hiện bản thân ở cường độ cao (self-actualization) - mong muốn sáng tạo, thể hiện khả năng và đạt được sự công nhận thành công.
Những công nhân trong bài viết trên họ dù lương 9-10 triệu đồng một tháng, nhưng đã đạt được đến tầng thứ 3, nó tương đương với chất lượng sống của người có thu nhập khá cao ở thành phố lớn".
Độc giả Quang Tan bình luận như trên, dựa vào nhu cầu con người theo tháp Maslow để nói về cuộc sống của bốn công nhân trong bài viết Bốn công nhân góp tiền mua ôtô đi làm cách nhà 7 km.
Câu chuyện được nhiều độc giả VnExpress quan tâm thảo luận. Bạn đọc Hoài Long gợi mở một góc nhìn thực tế: "Mỗi nơi có mức sống riêng. Sự đoàn kết, chung tay như bốn công nhân trên là rất đáng quý. Sống là cộng tồn, cùng chung sức sẽ tiết kiệm được rất nhiều.
Ở TP HCM, một tô phở giá khoảng 40-50 nghìn, ra quận 1 thì 70-100 nghìn đồng. Trong khi về vùng quê, chỉ cần 20-30 nghìn là đã đủ. Về làng quê sâu hơn, với 50 nghìn bạn có thể ăn no nê.
Quan trọng là nhu cầu của mỗi người. Nếu muốn nhiều thứ, bạn phải chấp nhận bôn ba vất vả, đừng than phiền. Còn nếu muốn an nhàn, hãy đơn giản hóa mong muốn của mình. Ai rồi cũng cần một góc nhẹ nhàng, yên tĩnh. Miền quê mãi là nơi để trở về khi thành phố lớn trở nên quá ồn ào".
Độc giả nickname poolzi nói về sự thay đổi đáng kể ở vùng nông thôn, đặc biệt tại Bắc Ninh:
"Ở quê bây giờ, chỉ cần 'chăm ngoan' thì cái gì cũng có. Bắc Ninh hiện nay có nhịp sống khác biệt so với nhiều tỉnh, phúc lợi xã hội cao hơn hẳn, chỉ thua một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Nếu có dịp đi qua Bắc Ninh, đặc biệt các khu giáp ranh, bạn sẽ thấy rõ sự phát triển. Ngay cả ở các huyện thuần nông như Lương Tài, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đã rất hoàn thiện".
Độc giả nickname 4y9kknnhbx nói:
"Hai vợ chồng cùng làm, đất quê có sẵn, rau tự trồng, cha mẹ hai bên hỗ trợ một ít, thì khoảng 10 năm là xây được nhà. Xe ô tô thì chưa chắc, nhưng nếu chọn xe hạng A, vẫn có thể mua được.
Tôi sống ở Hà Nội, lương 18 triệu mỗi tháng, dư khoảng 8 triệu. Về quê, lương chỉ 12 triệu nhưng dư 10 triệu. Ở quê, sống trong nhà mình, không cần nhìn mặt ai để sống, cảm giác như vua.
Tuy nhiên, cần lưu ý về giáo dục và y tế cho con cái. Nhà tôi cách bệnh viện đa khoa 2 km, trường học chuẩn quốc gia từ mầm non đến cấp ba chỉ cách 200 m, nên tôi mới quyết định về quê. Nếu xa hơn, khoảng 20 km, chắc chắn sẽ khó khăn hơn".
Từ kinh nghiệm 15 năm làm việc tại khu công nghiệp, độc giả Cuong Dinh chia sẻ thêm:
"Với kinh nghiệm làm trong khu công nghiệp gần 15 năm, tôi thấy vẫn có những trường hợp hai vợ chồng làm công nhân mua được đất, xây được nhà gần khu công nghiệp, mà giá trị hiện tại nếu bán đi cũng được 3-4 tỷ là bình thường.
Dĩ nhiên, điều này cần hội tụ nhiều yếu tố: thời gian làm việc ít nhất 10 năm, may mắn mua đất lúc giá rẻ (300-400 triệu), chăm chỉ tăng ca và tiết kiệm. Khi làm lâu, công nhân còn có thể được cất nhắc lên tổ trưởng, nhóm trưởng, có thêm phụ cấp. Cuối năm, thường có các khoản thưởng khác.
Nhưng nếu hai vợ chồng làm ra 50 triệu mà tiêu hết 49 triệu, thì có đến kiếp sau mới mua được đất, đừng nói đến chuyện xây nhà".
Cuối cùng, độc giả thanh huong vovi chỉ ra rằng với sự tính toán hợp lý, những cặp vợ chồng trẻ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tài chính lớn:
"Làm công nhân từ năm 18 tuổi, lấy vợ, hai vợ chồng thu nhập mỗi tháng 20 triệu, ăn tiêu hết khoảng 8 triệu (nếu có 1-2 đứa con). Vậy mỗi tháng để dành được 12 triệu, làm khoảng 7 năm, đến năm 25 tuổi, đã tiết kiệm được khoảng 1 tỷ.
Đất bố mẹ cho, xây căn nhà hai tầng vừa phải khoảng 800 triệu đến 1 tỷ. Mua xe thì có thể mua xe cũ, chia chung với 4-5 người, mỗi người chỉ cần góp khoảng 50 triệu.
Đó là tính toán cho hai vợ chồng làm công nhân trong 7 năm (ở tỉnh). Nếu làm lâu hơn, còn tích lũy được nhiều hơn. Làm công nhân thường bắt đầu từ sớm, khoảng 18-19 tuổi, nên đến 30 tuổi xây nhà, mua xe là hoàn toàn khả thi. Chưa kể bố mẹ còn có thể hỗ trợ thêm".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viếtvề địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp