Sandra Bazzarelli, chuyên gia hướng dẫn viết luận, tốt nghiệp Đại học Columbia và Đại học New York, trong một video hôm 2/2, chia sẻ bốn bí quyết viết luận được đánh giá cao.
Tập trung vào bản thân
Dù lựa chọn kể câu chuyện hay chủ đề gì trong bài luận, theo cô Sandra, điều quan trọng là ứng viên phải tập trung vào bản thân. Bài luận là nơi bạn thể hiện cho ban tuyển sinh thấy bạn là ai, tính cách thế nào.
"Bạn là ngôi sao trong bài luận nên hãy làm rõ con người bạn qua các khía cạnh bản thân, qua tiếng nói cá nhân. Đừng cố gắng là bất kỳ ai vì hội đồng tuyển sinh đang tìm kiếm sự đặc biệt mà bạn đang có", cô nói. Do đó, người viết đừng ngần ngại thể hiện sự hài hước, sự nhạy cảm và điểm đặc biệt của mình trong tính cách, cách nhìn nhận vấn đề.
Ứng viên không nên tỏ ra thông minh hay nói về những chủ đề vĩ mô với từ vựng cao siêu nhằm mục đích gây ấn tượng vì điều này chỉ khiến bạn trở nên máy móc, rập khuôn và thiếu kết nối với hội đồng tuyển sinh.
Chuyên gia cho biết việc dùng từ ngữ quá trang trọng trong bài luận đôi khi làm mất đi cảm xúc cần thiết cho người đọc. Theo cô Sandra, bạn có thể dùng từ vựng khó được học trong các bài ôn thi như SAT (bài thi chuẩn hóa thường được dùng để xét tuyển vào đại học Mỹ) nhưng không nên lạm dụng. Bạn hãy xem từ vựng giống như gia vị sử dụng trong món ăn, với mục đích tăng khẩu vị của người thưởng thức món ăn đó. Dùng từ ngữ quá cao siêu mà không thực sự nắm bắt được ý nghĩa thực sự thì cũng giống như việc bạn cho quá nhiều gia vị vào món ăn.
Kể câu chuyện đặc biệt và mối liên hệ với bản thân
Bài luận là cơ hội để ứng viên chia sẻ câu chuyện của bản thân nhưng nên tập trung vào một thời điểm hoặc khía cạnh đặc biệt, thay vì kể lể dài dòng.
"Bài luận không phải cuốn hồi ký, nên tránh tóm tắt các giai đoạn cuộc đời vì như vậy rất khó để hội đồng tuyển sinh hiểu được thông điệp bạn mong muốn truyền đạt là gì", cô Sandra cho hay.
Thí sinh cần chú ý tới mối quan hệ giữa mình với khía cạnh hoặc chủ đề muốn nói. Chẳng hạn, trải nghiệm đó đã mình bạn phát triển ra sao, mang lại cho bạn giá trị gì và mong muốn, dự định tương lai của bản thân dựa trên những bài học có được từ trải nghiệm này.
Từng đọc rất nhiều bài luận, cô Sandra khuyên khi chọn chủ đề hay câu chuyện để kể trong bài luận, ứng viên cần tránh những câu chuyện hư cấu vì hội đồng tuyển sinh sẽ phát hiện được, cũng như đánh giá sự chân thật của ứng viên.
Tạo ấn tượng bằng câu mở đầu (hook)
Bài luận cá nhân không phải một bài văn tuân theo từng phần. Ngữ pháp rất quan trọng nhưng với bài luận, nhà tuyển sinh sẽ đề cao tính sáng tạo để thể hiện bản thân ứng viên, bên ngoài những thông tin trên hồ sơ.
Phần mở đầu bài luận được gọi là hook (cái neo, cái móc, điểm níu chân độc giả). Đây là cách trình bày câu chuyện kích thích sự quan tâm, khiến hội đồng tuyển sinh tò mò hơn về thông điệp cũng như chủ đề ứng viên hướng tới.
Cô Sandra cho hay câu mở đầu có thể bắt đầu bằng câu hỏi, trích dẫn, một lời tuyên bố, câu nói gây tranh cãi hay một hành động, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ví dụ đề bài yêu cầu nói về một người quan trọng hoặc ảnh hưởng lớn tới ứng viên. Với cách mở đầu trực tiếp, bạn có thể lặp lại câu hỏi đó: "Người quan trọng trong cuộc sống của tôi là...". Còn cách gián tiếp là kể một câu chuyện liên quan tới người đó. Qua cách miêu tả, kể chuyện, hội đồng tuyển sinh tự hình dung ra được người ứng viên muốn nói đến như thế nào.
Cô Sandra đưa ra các ví dụ về câu mở đầu khiến cô tự hỏi chuyện gì vậy? hay chuyện gì tiếp theo đây? như: "Không có ai đang lắng nghe", "Chào mừng tới New York", "Tôi là cái gì?", "Hầu hết mọi người đến nhà thờ vào các chủ nhật để tìm đến Chúa, còn tôi đi tìm các môn thể thao"...
Cô nhớ nhất bài luận của một học sinh yêu thích môn Hóa, mở đầu bằng câu: "I made a bomb (tôi đã tạo ra một quả bom)". Câu này lập tức khiến người đọc ngỡ ngàng, thắc mắc "một quả bom ư?". Ứng viên này đã kể về cơ hội làm nhân viên cứu hộ tại bể bơi trong một hoạt động ngoại khóa. Nhiệm vụ của học sinh là kiểm tra nồng độ Chlorine mỗi ngày để đảm bảo nước trong bể an toàn. Một lần, em vô tình tạo ra một vụ nổ ở bể bơi khi kiểm tra các chất hóa học. Tuy không bị ảnh hưởng, đây là một bài học kinh nghiệm và em muốn giúp mọi người học được từ sai lầm của mình. Học sinh này sau đó được nhận vào Đại học Villanova.
Cô Sandra cũng thích một bài luận khác, bắt đầu bằng câu hỏi: "Có bất kỳ một giới hạn nào cho điều các bạn làm dành cho những người bạn yêu quý hay không?". Ứng viên đã viết về ông nội, kể về sự chăm sóc, yêu thương của ông dành cho mình. Ngoài ra, thay vì chỉ gọi ông là "granpa", bạn gọi ông là "my haraboji" (haraboji của tôi)".
Một học sinh Việt Nam của cô Sandra cũng dùng từ "bà nội" trong bài viết thay cho từ "grandma" để tránh lặp lại. Việc đưa văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam vào bài góp phần giúp bạn được nhận vào Đại học Boston, năm 2023.
"Đừng chỉ nói bà tôi, ông tôi, bạn có thể thay thế bằng một cách gọi trong văn hóa hay ngôn ngữ của bạn, cách mà bạn gọi người bạn yêu thương", cô Sandra gợi ý thêm.
Đừng ngại viết đi viết lại
Viết luận là quá trình lặp đi lặp lại, từ lúc lên bản nháp, đọc, đọc thành tiếng, chia sẻ cho người khác đọc, sửa, đọc lại, viết lại... Cô Sandra ví việc đọc bài thành tiếng giống như bạn nghe bài hát. Đọc lời bài hát cho bạn trải nghiệm khác so với khi bạn nghe bài hát. Đọc thành tiếng quan trọng, giúp bạn cảm nhận được trải nghiệm chưa từng có khi đọc trong đầu.
Chuyên gia viết luận cho hay nhiều học sinh trúng tuyển đại học top cao đã phải viết đi viết lại rất nhiều lần, thậm chí đổi chủ đề liên tục chỉ để tìm ra được hướng đi phù hợp.
Bình Minh