Châu Âu hiện đại được xây dựng dựa trên ý tưởng gắn kết các quốc gia trong khu vực lại với nhau bằng cách xóa bỏ biên giới. Nhưng chỉ trong vòng một tuần, Covid-19 đã buộc các nước phải tái thiết lập biên giới trên khắp lục địa, thách thức mô hình cơ bản của Liên minh châu Âu (EU).
EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân trong khối nhằm ngăn chặn nCoV lây lan. "Chúng ta đang đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, một cuộc khủng hoảng chưa từng có cả về quy mô và bản chất", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói. "Chúng ta muốn đẩy lùi mối đe dọa này. Chúng ta muốn làm chậm sự lây lan của virus". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đất nước "đang có chiến tranh" với nCoV.
Cho tới tuần trước, công dân EU vẫn có thể di chuyển dễ dàng khắp lục địa dù có dấu hiệu cho thấy nCoV đang lây lan nhanh chóng. Tính đến ngày 17/3, 19 nước châu Âu vốn mở cửa biên giới đã bắt đầu áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới mới.
Vì các quốc gia châu Âu giờ đây phụ thuộc chặt chẽ vào nhau, nhiều nước không còn xây dựng theo cơ chế tự cung tự cấp, sản xuất mọi thứ họ cần, nên tác động từ biện pháp phong tỏa nội bộ có thể nhanh chóng biến thành thảm họa, chuyên gia nhận định.
Xe tải chở hàng từ Đức và Ba Lan hôm qua phải xếp hàng dài 40 km khi nhân viên biên phòng Ba Lan kiểm tra nhiệt độ của tài xế, sức khỏe tổng thể cùng các giấy tờ khác trước khi cho phép họ thông quan.
Trong khi đó, Estonia, Lativa và Lithuania, ba quốc gia chỉ được kết nối với phần còn lại của châu Âu thông qua Ba Lan, đã phải thực hiện một chiến dịch giải cứu bằng đường không và đường biển để đưa công dân về nước.
"Tình hình đang rất khó khăn", Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics nói. "Chúng tôi cần dòng lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn bởi nền kinh tế của chúng tôi đang chật vật, giống như mọi quốc gia khác trên thế giới".
Giới phân tích đánh giá một rủi ro lớn khác từ biện pháp tái áp đặt kiểm soát biên giới là những vật tư y tế cần thiết để chống nCoV sẽ bị ùn ứ tại cửa khẩu, từ đó làm suy yếu khả năng đối phó với khủng hoảng chung của toàn châu Âu.
Công dân EU đang bị mắc kẹt "trong chính châu Âu và điều này phải chấm dứt", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh. "Chúng ta cần tiếp tục vận chuyển hàng hóa thông suốt xuyên biên giới, đặc biệt là vật tư y tế".
Các lãnh đạo châu Âu hôm 17/3 đã dành ba tiếng thảo luận về các vấn đề biên giới cũng như tình trạng ùn ứ hàng hóa. Họ thống nhất tạo ra các làn đường riêng với những ưu tiên đặc biệt dành cho xe tải chở hàng, giúp chúng lưu thông nhanh hơn.
Nhưng vấn đề của châu Âu không chỉ nằm ở hậu cần. Pháp và Đức tuần trước đã đặt ra giới hạn đối với các trang thiết bị y tế thiết yếu được sản xuất trong lãnh thổ của họ, cấm xuất khẩu đồ bảo hộ, bao gồm cả khẩu trang, tới bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Italy, nơi đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế.
Sau khi các lãnh đạo EU lên tiếng thuyết phục, Paris và Berlin mới nới lỏng lệnh cấm. Nhưng thông điệp rõ ràng đã được gửi đi: Trong khủng hoảng, đừng trông cậy vào hàng xóm sẽ giúp bạn vượt qua.
"Với EU, đây thực sự là một mối đe dọa hiện hữu", Stefano Stefanini, nhà cựu ngoại giao hiện làm cố vấn an ninh tại Brussels, bình luận. "Nếu EU bị nhìn nhận là làm chưa đủ, quan tâm chưa đủ hay cố gắng chưa đủ trước thách thức, người dân sẽ nảy sinh hoài nghi vậy thì cần EU để làm gì".
"Cảm nhận về tinh thần đoàn kết của châu Âu bị lung lay khi mà hàng xóm của bạn từ chối xuất khẩu thiết bị y tế", Stefanini cho hay.
Bên ngoài EU, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã phản ứng gay gắt trước tin EU hồi cuối tuần trước áp đặt lệnh cấm xuất khẩu toàn khối đối với các vật dụng bảo vệ nhân viên y tế như khẩu trang hay quần áo bảo hộ. Biện pháp này giúp các nước trong khối phần nào đối phó với tình trạng thiếu thốn song lại đẩy những quốc gia láng giềng vào thế khó.
"Đoàn kết quốc tế không tồn tại. Đoàn kết châu Âu không tồn tại", Tổng thống Vucic nói.
Theo một số nhà phân tích, thách thức của EU sẽ giảm dần theo thời gian khi toàn khối có thể thích nghi với bối cảnh mới. Ví dụ, sau cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015, EU vẫn đứng vững dù lúc bấy giờ, nhiều nước cũng tái áp đặt kiểm soát biên giới. Các biện pháp kiểm soát được xóa bỏ khi tình hình dần đi vào ổn định.
Tuy nhiên, Daniela Schwarzer, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, tình hình hiện nay "không khả quan" khi mà chính phủ các nước chưa thực sự hợp tác với nhau.
EU "đang cố gắng thúc đẩy hợp tác nội khối trong việc xử lý khủng hoảng, nhưng nếu các chính phủ từ chối bắt tay nhau, điều này sẽ vô cùng khó khăn", Schwarzer nói. "Nếu không xử lý khủng hoảng thông qua hợp tác, mất mát về người và của sẽ còn gia tăng".
Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách còn cảnh báo, một khi biên giới nội bộ được dựng lên vì dịch bệnh, sẽ rất khó để hạ chúng xuống. Không giống với khủng hoảng nhập cư năm 2015 khi mà dòng người đổ về châu Âu nhanh chóng chậm lại, diễn biến Covid-19 đến nay vẫn chưa rõ ràng. Số ca nhiễm mới ở các nước như Italy, Pháp, Đức vẫn tiếp tục tăng nhanh.
"Khi nào thì chúng ta mới sẵn sàng gỡ bỏ các giới hạn và lệnh cấm?", Ngoại trưởng Latvia Rinkevics đặt câu hỏi. "Nếu chúng ta mở cửa trường học và các cơ sở bị đóng trở lại, điều gì sẽ xảy ra nếu số người nhiễm lại tiếp tục tăng vì chúng ta chưa loại bỏ được hoàn toàn virus? Đây là điều mà chúng ta chưa thảo luận".
Đóng cửa biên giới nhằm phục vụ "một mục đích hợp pháp" là làm chậm sự lây lan của virus, nhưng "chúng ta có thể làm như vậy bao lâu?", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)