Gần 14 năm nắm quyền của Evo Morales được coi là bước đột phá đối với Bolivia, khi 3/4 dân số quốc gia Nam Mỹ này là người bản xứ hoặc được xác định là thành viên của các nhóm bản địa. Giờ đây, khi Morales từ chức và sang Mexico tị nạn, những người ủng hộ ông lo sợ mất đi lợi ích chính trị và kinh tế mà họ từng chật vật mới có được.
Nỗi sợ hãi của họ gia tăng sau khi Phó chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez thuộc đảng Liên minh Dân chủ đối lập, người nổi tiếng vì nhiều lần chỉ trích Morales, nhanh chóng tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời hôm 13/11.
Anez hứa sẽ đoàn kết đất nước và kêu gọi tổ chức bầu cử vào tháng một năm sau. Tuy nhiên, không ai trong số 11 bộ trưởng mà bà chọn vào nội các mới là người bản địa. Sau khi bị chỉ trích dữ dội, tổng thống lâm thời Bolivia quyết định bổ nhiệm một người bản địa làm bộ trưởng văn hóa.
"Chúng tôi cảm thấy bị đe dọa. Họ không đại diện cho chúng tôi mà khước từ những người bản địa như chúng tôi", Juan Acume, nông dân người Quechua, nhóm bản địa tại Bolivia, đề cập tới chính quyền lâm thời của bà Anez.
Vài năm trước, Anez từng đăng những bài viết mang tính khiêu khích lên Twitter với nội dung chế giễu văn hóa người bản địa, gọi những nghi thức tôn giáo của họ là "tà đạo" và mỉa mai Morales là "gã bản địa đáng thương".
Dù bà đã xóa các tweet này, chúng vẫn kịp lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, thậm chí còn có thêm một loạt bài viết phân biệt chủng tộc giả mạo do những người ủng hộ Morales gán cho bà Anez rồi phát tán, Tổ chức Giám sát Xác Minh Bolivia, một nhóm theo dõi các phương tiện truyền thông, cho biết.
Trong buổi họp báo hôm 15/11, Anez chỉ trích những bài viết giả mạo và nói rằng kẻ thù của bà đang lan truyền thông tin sai lệch. "Chúng tôi bác bỏ những bình luận phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử không có thật đó", Tổng thống lâm thời Bolivia phát biểu. Tuy nhiên, khi được hỏi có dòng tweet về chủng tộc nào được gán cho bà là thật hay không, Anez không trả lời.
Tôn giáo cũng là một phần trong sự chia rẽ tại Bolivia. Quan hệ giữa Morales và Giáo hội Công giáo Roma khá căng thẳng do ông khuyến khích tổ chức những nghi lễ truyền thống của người Aymara tại dinh tổng thống, dù chúng bị coi là tà đạo ở quốc gia mà Công giáo bám rễ từ thế kỷ 16.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, bà Anez đã cầm theo một cuốn Kinh thánh cỡ lớn, với một phụ tá cầm thánh giá đứng cạnh. Dù đa số người Bolivia coi mình là Kitô hữu, việc bà Anez, một chính trị gia Công giáo bảo thủ, lên nắm quyền được coi là dấu hiệu cho thấy văn hóa châu Âu một lần nữa lấn át văn hóa truyền thống Bolivia.
Căng thẳng giữa cộng đồng bản địa Bolivia với giới thượng lưu cầm quyền gốc châu Âu có từ thời thuộc địa Tây Ban Nha và luôn âm ỉ kể từ đó. Diego von Vacano, nhà khoa học chính trị tại Đại học Texas A&M, Mỹ, so sánh mâu thuẫn sắc tộc ở Bolivia với nạn phân biệt chủng tộc Apartheid ở châu Phi, khi những người bản địa từng bị coi là "công dân hạng hai".
"Morales có vai trò quan trọng khi vươn lên vị trí lãnh đạo và mang lại nhiều điều tích cực cho người bản địa", chuyên gia cho hay. Trong thời gian Morales tại nhiệm, số quan chức người bản địa trong các cơ quan nhà nước và quốc hội đã tăng lên, bao gồm cả những phụ nữ mặc váy pollera truyền thống từng bị kỳ thị ở nơi công cộng.
Morales cũng phân phối lại nguồn thu dồi dào từ khí đốt của đất nước cho cộng đồng người bản địa, đồng thời dẫn dắt quá trình phục hưng ẩm thực, âm nhạc và trang phục truyền thống. Lá cờ wiphala kẻ carô nhiều màu đại diện cho sự đa dạng của các dân tộc bản địa trở thành cờ chính thức xuất hiện bên cạnh quốc kỳ Bolivia. Những chính sách này biến Morales thành thần tượng của cộng đồng bản địa.
Tuy nhiên, Vacano cho biết khi Morales dần mất quyền lực trong vòng ba năm qua, ông đã vận động nhóm người này bằng những phát ngôn phân biệt chủng tộc nhằm củng cố sự ủng hộ, khiến xã hội thêm chia rẽ. Chúng gây phẫn nộ với những người Bolivia đa nguồn gốc hoặc tới từ châu Âu. Họ cáo buộc Morales thiên vị sắc tộc và lợi dụng mâu thuẫn này vì lợi ích chính trị.
"Tư tưởng phân biệt chủng tộc tồn tại ở Bolivia trước cả khi Morales lên nắm quyền và sẽ không bao giờ biến mất", Michelle Kieffer, một cư dân ở thủ đô La Paz, nêu ý kiến. "Tuy nhiên, Morales đã lợi dụng vấn đề này và gây mất đoàn kết. Giờ đây, những người khác biệt về sắc tộc nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ".
Chia rẽ sắc tộc đã làm rung chuyển nhiều địa phương ở Bolivia sau khi Morales ra đi. Một trong những vụ đụng độ bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra hôm 15/11 tại thành phố Cochabamba, khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn thật vào những người bản địa ủng hộ Morales. AFP đưa tin 5 người biểu tình đã thiệt mạng, nhưng chính quyền không xác nhận mà chỉ cho biết 100 người bị giam, nói thêm rằng nhiều người biểu tình thậm chí mang thuốc nổ và súng trường.
Cochabamba chính là nơi diễn ra bước ngoặt trong quá trình sụp đổ của chính quyền Morales, khi các chỉ huy cảnh sát tại thành phố này hôm 8/11 quyết định đồng hành cùng người biểu tình để phản đối việc Morales nắm quyền nhiệm kỳ thứ tư, từ đó thúc đẩy sự nổi dậy của lực lượng an ninh trên toàn quốc.
Morales rời ghế tổng thống hôm 10/11 sau khi tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Bolivia Williams Kaliman kêu gọi ông từ chức "vì lợi ích của đất nước", động thái bị Morales và những người ủng hộ coi là đảo chính.
Sau khi kiểm soát Cochabamba, các sĩ quan cảnh sát đã xé phù hiệu hình cờ wiphala khỏi đồng phục và ném xuống đất. Vài phút sau, những người biểu tình chống chính phủ lấy lá cờ wiphala từ trụ sở cảnh sát và đốt nó giữa quảng trường chính của thành phố. Với họ, việc sử dụng song song lá cờ này với quốc kỳ là biểu tượng của sự mất đoàn kết mà Morales "dung túng".
"Điều đó khiến chúng tôi nghĩ rằng có hai nước Bolivia, dù chúng tôi luôn tin chỉ có một", đại tá Miguel Mercado, chỉ huy cảnh sát tỉnh Santa Cruz lân cận Cochabamba, phát biểu trên truyền hình. "Đất nước phải là nơi bảo vệ tất cả chúng ta".
Tuy nhiên, với nhiều người bản địa Bolivia, việc xúc phạm cờ wiphala là hành vi lăng mạ nghiêm trọng, tượng trưng cho sự chấm dứt quyền bình đẳng mà họ được hưởng dưới thời Morales. Hôm 14/11, hàng nghìn người dân Cochabamba, chủ yếu là nông dân trồng coca, tập trung lại và vẫy hai lá cờ của đất nước để kêu gọi Morales trở về.
Lực lượng cảnh sát và quân đội vũ trang hạng nặng đã chặn đường vào trung tâm thành phố, khiến đám đông chỉ có thể biểu tình ở vùng ngoại ô. Tình thế này khiến nhiều nông dân nhớ về những bất công mà họ phải chịu đựng dưới thời chính phủ tiền nhiệm thân Mỹ.
"Họ đã ra lệnh cho chúng tôi suốt 500 năm và giờ lại muốn tước đoạt 13 năm của chúng tôi", Herlinda Cruz, một nông dân mặc trang phục truyền thống, không kìm được nước mắt. "Họ sẽ lấy đi chiếc váy pollera cũng như tiếng nói của tôi".
"Họ đã đốt cờ và cười nhạo văn hóa của chúng tôi. Đây là sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử", một nông dân khác tên Alfonso Coque cho biết. "Chúng tôi sẽ đánh đổi tính mạng vì quyền lợi của mình".
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Xem thêm:
Tổng thống Bolivia để lại di sản hỗn loạn
Người phụ nữ tiếp quản quyền lực của Morales