Khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc thường gặp những câu chuyện cười ra nước mắt khi không biết tiếng Trung và nhìn thực đơn chọn món. Thậm chí khi món ăn đã được dịch sang tiếng Anh, vẫn còn nhiều chuyện bối rối.
Theo Isaac Yue, phó giáo sư dịch thuật tại Đại học Hong Kong, chuyên về văn học ẩm thực Trung Quốc, dịch tên món ăn sang tiếng Anh là "một nhiệm vụ bất khả thi".
"Bạn có thể dịch shizitou, một món ăn phổ biến ở miền đông Trung Quốc một cách hình tượng là "thịt viên" hoặc theo nghĩa đen là "đầu sư tử om" (braised lion's head), nhưng cả hai cách đều không thể truyền tải đầy đủ tinh thần hay bối cảnh văn hóa của món ăn", ông nói.

Nội tạng bò sốt cay hay "husband-and-wife lung slices". Ảnh: Living Nomads
Yue không hề nói quá, dù ông viết về ẩm thực Trung Quốc bằng tiếng Anh. Ông từng cân nhắc tập trung nghiên cứu việc dịch tên món ăn Trung Quốc, nhưng cuối cùng hiểu ra mọi thứ quá khó. Để lý giải tại sao việc dịch tên các món ăn này lại khó khăn đến vậy, ông cho hay phải hiểu lịch sử ẩm thực lâu đời của Trung Quốc, nơi nhiều món ăn được gắn với những câu chuyện và hình ảnh ý nghĩa.
Fuchsia Dunlop, nhà văn người Anh chuyên về ẩm thực Trung Quốc hơn hai thập kỷ, cho rằng phần lớn vấn đề bắt nguồn từ việc một số từ không tồn tại trong tiếng Anh.
"Trung Quốc có một nền văn hóa ẩm thực phong phú với vốn từ vựng rất cụ thể, và trong nhiều trường hợp, không có các món ăn, phương pháp nấu nướng, khái niệm hay nguyên liệu tương đương trong tiếng Anh," cô nói và từng gợi ý mượn các thuật ngữ, tương tự cách dùng tiếng Pháp như "chef" hay "omelet".
Những năm gần đây dù các công cụ dịch thuật trực tuyến đã cải thiện, Dunlop vẫn gặp những bản dịch hài hước trong các chuyến đi khắp Trung Quốc, xuất phát từ bản chất đa thanh điệu của tiếng Trung. Một ví dụ là món cải thảo xào, được dịch thành "thức ăn túi xách" (handbag food). Lý do vì từ cải thảo trong tiếng Trung, baocai, được tạo thành từ hai ký tự. ''Bao'' có nghĩa là "túi," còn ''cai'' có nghĩa là "món ăn/thực phẩm/rau củ."
Dunlop cũng chỉ ra một bản dịch mà cô từng thấy cho một loại bánh quy gọi là tieban shao. Bánh này được nướng (shao) trên một tấm sắt (tieban), nhưng bản dịch sang tiếng Anh lại là "hỏa táng sàn sắt". Ngoài ra, còn có một số tên món ăn gây bối rối mà bạn có thể gặp phải khi đi ăn nhà hàng Trung Quốc.
Món khai vị cay Tứ Xuyên có một cái tên gây nhầm lẫn. Nó không liên quan đến tình yêu lãng mạn cũng chẳng có lá phổi nào. "Lát phổi vợ chồng" (Husband-and-wife long slices) hay fuqi fei pian là một món gồm nội tạng bò mỏng ngập trong dầu ớt. Tương truyền món ăn này ban đầu được bán bởi một cặp vợ chồng ở Thành Đô.
Người ta có thể dễ dàng gọi nó thành "nội tạng bò sốt cay", nhưng cách dịch này thiếu sức hút và làm giảm trải nghiệm.
Tương tự, một món ăn Tứ Xuyên khác, yuxiang qiezi, hay "cà tím hương cá" (Fish-fragrant eggplant) thực chất không chứa cá. Tên gọi này được lấy cảm hứng từ các gia vị của món ăn gồm ớt ngâm, gừng, tỏi, hành lá, đường và giấm, vốn thường có trong các món cá truyền thống ở vùng này.
Đôi khi chỉ được gọi đơn giản là cà tím cay Tứ Xuyên. Điều này đúng, nhưng làm mất đi văn hóa địa phương. "Cà tím hương cá" nghe rất hay. Khi món ăn được lan tỏa đến các vùng khác ở Trung Quốc, một số nơi bắt đầu thêm cá muối khô vào để tăng "hương cá".

Món cà tím cay Tứ Xuyên. Ảnh: thewoksoflife
Dunlop khuyên các nhà hàng nên giữ những cái tên ít chữ nghĩa trong những trường hợp như thế này. "Tôi nghĩ việc giữ chất thơ trong tên món ăn là điều thú vị, nhưng đôi khi cần thêm một dòng trên menu giải thích món ăn thực sự là gì," cô nói.
Khi tư vấn cho Barshu, một nhà hàng Tứ Xuyên ở London, Dunlop quyết định sử dụng các bản dịch sát nghĩa, đồng thời để chỗ trên menu viết thêm về văn hóa và thông tin bổ sung. "Việc dịch thuật như một phần của một dự án lớn nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của thế giới với ẩm thực Trung Quốc. Khi các món ăn trở nên quen thuộc hơn với người nước ngoài, những cái tên truyền thống sẽ gần gũi", cô nói.
Lời khuyên cho khách du lịch tới Trung Quốc: Hãy chọn những nhà hàng có menu hình ảnh, đồng thời có miêu tả rõ ràng về món ăn để tránh những bối rối.
Tâm Anh (Theo CNN)