Thứ bảy, 25/1/2025
Thứ hai, 3/10/2022, 14:58 (GMT+7)

Bới bùn đất tìm tài sản sau lũ ống

Nghệ AnNgày 3/10, tranh thủ trời tạnh ráo, người dân xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tập trung đào bới tìm ôtô, xe máy và đồ dùng sinh hoạt sau lũ ống.

Một góc xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, nơi lũ ống quét qua, sáng 3/10.

Ông Vi Như Cường, cán bộ văn hóa xã Tà Cạ, cho biết lũ ống tràn qua xã nhiều đợt, mạnh nhất lúc 2h ngày 2/10, có lúc "lên nhanh không thể tưởng tượng nổi", hơn 10 phút đã dâng hơn một mét.

Lũ Kỳ Sơn
 
 

Tại nhiều con suối ở xã Tà Cạ, hiện nước lũ đục ngầu vẫn chảy mạnh về xuôi. Một số điểm, người dân đã dùng cây gỗ chặn nhánh nhỏ của dòng nước, ngăn không cho tràn vào khu dân cư.

Ở bản Hòa Sơn, nhà chức trách dùng nhiều cây tre làm cầu tạm qua một con suối nhỏ để lực lượng cứu hộ đi vào bản Sơn Hà tiếp tế lương thực.

Anh Lữ Văn Tuấn, trú bản Hòa Sơn, bới bùn đất, gom một số đồ dụng cá nhân từ dưới suối lên bỏ vào chậu nhựa đem đi rửa sạch.

Hai mẹ con ở bản Hòa Sơn bới bùn, lấy xoong nồi, bát đũa bẩn đưa ra con suối Huồi Giảng rửa.

Ông Lô Văn Sơn, trú xã Tà Cạ, đứng bên ngôi nhà cấp bốn bị nước lũ phá gần hết. "Mất hết rồi", ông Sơn nói.

Bà Tâm, trú xã Hòa Sơn, khóc khi nhặt sách vở của đứa cháu học lớp 6. Ngoài dụng cụ học tập của cháu, nhiều tài sản giá trị trong nhà như tivi, quạt điện, bếp gas... cũng trôi theo dòng nước đục ngầu.

Chính quyền huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tìm kiếm tài sản, dọn dẹp bùn đất trong nhà.

Tại thị trấn Mường Xén, cách xã Tà Cả khoảng 4 km, đợt lũ ống quét qua lúc 7h ngày 2/10 khiến nhiều nhà dân, trụ sở, phương tiện bị vùi lấp.

Một chiếc ôtô 5 chỗ đặt trong trụ sở ở thị trấn Mường Xén bị bùn vùi lấp gần hết phần đầu. "Chuyến này chắc phải mất từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để sửa chữa", một người nói.

Người dân ở thị trấn Mường Xén hợp sức đưa một chiếc xe máy từ dưới bùn ra ngoài.

Cây ATM ở khối 1, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, bị đất ngập gần đến màn hình.

Lũ ập về thị trấn biên giới
 
 

Lũ ống chỉ xảy ra ở miền núi, nơi có nhiều dãy đồi núi đan xen và kéo dài, giữa chúng là các thung lũng gắn liền với khe suối, sông nhỏ.

Ở khe suối, sông nhỏ chảy qua hai bên sườn đồi thung lũng thường bị khép lại, co thắt tại vài điểm. Khi mưa lớn, nước không kịp thoát tại điểm co thắt sẽ dâng nhanh, tạo dòng chảy xiết phía dưới, sinh ra lũ ống.

Huyện Kỳ Sơn nằm phía tây tỉnh Nghệ An, có chung 192 km đường biên giới với Lào, sở hữu nhiều dãy núi cao, hiểm trở, hệ thống sông, suối dày đặc, rất dễ hình thành lũ ống, lũ quét khi mưa lớn.

Gỗ, đá tảng, bùn đất vùi lấp đến nửa mét trước và trong khuôn viên Trung tâm Chính trị huyện Kỳ Sơn ở thị trấn Mường Xén.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, nhà công vụ UBND huyện, trụ sở Mặt trận Tổ quốc, Đội thi hành án, Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn cũng bị bùn đất từ dòng lũ tràn vào, gây hư hỏng.

Theo thống kê, tại huyện Kỳ Sơn, lũ ống đã cuốn trôi 56 nhà, ngập và hư hỏng 186 nhà, cô lập 236 hộ và 966 nhân khẩu ở xã Tạ Cà và thị trấn Mường Xén. 2 ôtô bị cuốn trôi, 10 ôtô bị vùi lấp. Đường từ Mường Xén đi xã Tây Sơn, quốc lộ 7 kết nối từ huyện Diễn Châu lên cửa khẩu Nậm Cắn, Kỳ Sơn, bị sạt lở, gây ách tắc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru, ngày 27-29/9, nhiều huyện thị ở Nghệ An có mưa lớn, lớn nhất là ở huyện Quỳnh Lưu hơn 600 mm; Thanh Chương 510 mm; Nam Đàn, Đô Lương, thị xã Thái Hòa hơn 400 mm; thị xã Cửa Lò, TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Anh Sơn và Con Cuông 300-390 mm... 13/21 huyện thị bị ngập, 8 người chết.

Văn Hải - Đức Hùng