Hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) hôm qua (30/4) thông báo bán 25 tỷ USD trái phiếu trong đợt chào bán lớn nhất lịch sử công ty này. Đợt phát hành gồm các trái phiếu có kỳ hạn từ 3-40 năm. Boeing cho biết việc này sẽ giúp họ chưa phải huy động thêm từ thị trường vốn hay chương trình hỗ trợ của chính phủ.
Tháng trước, Boeing cho biết muốn xin hỗ trợ 60 tỷ USD từ chính quyền liên bang cho họ và các công ty trong chuỗi cung ứng, như General Electric và Spirit Aerosystems. Trong gói kích thích 2.200 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua tháng trước, 17 tỷ USD cũng được dành ra để cho vay các công ty được coi là phục vụ cho lợi ích quốc gia, gồm cả Boeing.
Dù vậy, xin trợ cấp từ liên bang sẽ khiến Boeing phải chịu nhiều ràng buộc, như giới hạn trả lương hay đổi cổ phần lấy tiền hỗ trợ. Đầu tuần này, Boeing kỳ vọng huy động 10-15 tỷ USD trong đợt phát hành trái phiếu. Sau đó, họ nâng quy mô lên 25 tỷ USD do nhu cầu của nhà đầu tư tăng mạnh, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.
Việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi Boeing công bố báo cáo tài chính quý I. Theo đó, hãng có quý lỗ thứ hai liên tiếp với 641 triệu USD. Trong quý đầu năm, Boeing có 15,5 tỷ USD tiền mặt.
Boeing đang rất cần thanh khoản và gần đây đã rút hết hạn mức một khoản vay trị giá gần 14 tỷ USD. CEO Boeing Dave Calhoun hôm 29/4 cho biết công ty này "đang tập trung toàn lực vào việc đảm bảo thanh khoản để vượt qua đại dịch".
Họ cũng sẽ cắt giảm 10% lao động và giảm sản xuất các loại máy bay, trong đó có 787 Dreamliner. Calhoun dự báo nhu cầu bay có thể mất 2-3 năm mới quay về mức năm 2019.
Cả Boeing và đối thủ chính Airbus đều đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có, khi nhu cầu máy bay mới bốc hơi vì đại dịch. Boeing thậm chí còn chật vật hơn, khi vẫn đang chịu ảnh hưởng từ việc 737 Max bị cấm bay sau 2 tai nạn chết người. Triển vọng ngành hàng không ảm đạm đang khiến Boeing phải dựa nhiều hơn vào mảng quốc phòng.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)