Doanh thu quý IV/2020 của Boeing giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 15,3 tỷ USD. 3 tháng cuối năm, nhà sản xuất Mỹ lỗ 8,4 tỷ USD. Lũy kế cả năm 2020, doanh nghiệp này lỗ kỷ lục 12 tỷ USD. Boeing dự kiến dòng tiền chưa thể dương trở lại cho đến năm 2022.
Boeing đã nhường sân cho đối thủ Airbus trong bối cảnh lượng giao máy bay của nhà sản xuất Mỹ xuống mức thấp nhất vài thập kỷ và lượng hủy đơn đặt hàng cũng đạt mức kỷ lục năm ngoái.
Khủng hoảng của Boeing bắt đầu sau 2 vụ tai nạn máy bay 737 Max và trầm trọng hơn do đại dịch. Nhu cầu đi lại lao dốc đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các hãng hàng không và doanh số của Boeing. Dòng 777X thân rộng đã bị trì hoãn lịch giao do được máy bay này thường được sử dụng để bay các chặng quốc tế. Chi phí cho dòng máy bay mới nhất này đã ngốn của Boeing 6,5 tỷ USD trong quý IV.
Boeing cho biết dự kiến giao chiếc 777X đầu tiên vào cuối năm 2023, chậm hơn 2 năm so với kế hoạch khi nhu cầu thấp và phải đáp ứng các yêu cầu gia tăng sau khoảng 737 Max.
Tác động từ Covid-19 với các chuyến bay quốc tế cũng đang là vấn đề với dòng 787 Dreamliner của Boeing. Công ty này đã phải cắt giảm sản lượng máy bay thân rộng này. Boeing cho biết dự kiến không giao chiếc Dreamliner nào trong tháng này và rất ít "nếu có" trong tháng 2. 2021 dự kiến vẫn là một năm khó khăn với ngành hàng không khi dịch bệnh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bằng máy bay.
Boeing đang cố gắng để trở lại sau hai vụ tai nạn máy bay 737 Max làm 346 người chết. Mới đây, cơ quan quản lý hàng không châu Âu đã dỡ lệnh cấm bay với 737 Max hôm 27/1. Còn các cơ quan quản lý hàng không Mỹ đã bỏ lệnh cấm từ tháng 11 năm ngoái, cho phép Boeing bắt đầu giao khoảng 400 máy bay có sẵn trong nhà kho Seattle. Đến nay, American Airlines, United Airlines, Alaska Airlines, Aeromexico và Gol của Brazil đã nhận máy bay.
Tú Anh (theo CNBC)