Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Boeing nhiều khả năng sẽ xuất xưởng chiếc 747-8 cuối cùng trong 2 năm tới. Nhà sản xuất Mỹ chưa công bố quyết định này nhưng đã hé lộ trong báo cáo tài chính đầu năm nay.
"Với tốc độ sản xuất nửa chiếc máy bay mỗi tháng, dự án 747-8 còn hơn hai năm nữa để trả hết các đơn hàng tồn. Chúng tôi sẽ tiếp tục có quyết định đúng đắn để duy trì dây chuyền sản xuất tốt và đáp ứng nhu cầu của khách hàng", Boeing viết.
George Dimitroff - người đứng đầu mảng định giá tại hãng tư vấn hàng không Cirium cho rằng "nếu sản xuất nửa chiếc máy bay một tháng, có lẽ nó không phải một dự án sinh lời". Ông dự đoán Boeing có thể dùng dây chuyền của dự án này để sản xuất các dòng máy bay hiệu quả hơn như 767.
Đây là khoảnh khắc mà những người đam mê hàng không từ lâu đã lo lắng, báo hiệu sự kết thúc của dòng máy bay 2 tầng, 4 động cơ này. Đối thủ của Boeing - Airbus cũng đang chuẩn bị hoàn thiện máy bay hai tầng A380 cuối cùng sau khi đoàn xe chở phần thân của phi cơ này đến nhà máy ở Toulouse, Pháp tháng trước.
Cả hai loại máy bay này từng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, phiên bản cuối cùng của Boeing 747 và A380 đang đối mặt nguy cơ không còn được bay thương mại khi các hãng hàng không chuyển sang sử dụng máy bay hai động cơ cho các chặng đường dài. Boeing 747 có thể bị chuyển thành máy bay chở hàng, còn A380 thậm chí có thể biến mất hoàn toàn.
747 ra mắt năm 1970 và được mệnh danh là "Nữ hoàng bầu trời" của Boeing. Đây là khoản đặt cược táo bạo của hãng, làm thay đổi cách con người đi lại. Phiên bản chở khách của 747 có một cầu thang xoắn ốc dẫn lên một phòng sang trọng trên tầng 2. Còn với phiên bản chở hàng, phần mũi có thể mở ra để đưa vào bụng máy bay mọi thứ từ ôtô cho đến thiết bị khoan dầu.
Đến nay, Boeing đã nhận được 1.571 đơn đặt hàng 747 – nhiều thứ hai trong các dòng máy bay thân rộng, chỉ sau 777.
Tuy nhiên, từ năm 2007, các hãng hàng không có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại máy bay nhỏ, tốn ít nhiên liệu hơn. Boeing đã dự đoán chính xác, bắt kịp xu hướng này với các mẫu máy bay hai động cơ 777 và 787 Dreamliner.
Với dòng 747, Boeing quyết định phát triển một phiên bản cải tiến, rẻ hơn để cạnh tranh với A380. Chuyên gia phân tích Richard Aboulafia tại Teal Group nhận định chiến lược này lẽ ra đã thành công nếu 747-8 và Boeing không mắc phải những sai lầm trong quản lý ban đầu, thổi phồng ngân sách và tiến độ.
Nhà phân tích Sheila Kahyaoglu tại Jefferies ước tính từ năm 2016, Boeing mất 40 triệu USD cho mỗi chiếc 747 do sản xuất chậm, chỉ xuất xưởng được 6 chiếc một năm.
Covid-19 đang đẩy các dòng máy bay khổng lồ đến hồi kết nhanh hơn. Vì du lịch chưa thể sớm phục hồi hoàn toàn, các hãng hàng không đang loại bỏ những dòng máy bay phản lực cũ và máy bay 4 động cơ để cắt giảm chi phí. Theo ước tính của Credit Suisse tháng trước, 91% máy bay 747 và 97% máy bay A380 đang "đắp chiếu".
Vì Covid-19, các nhà sản xuất cũng đang phải chật vật tìm khách mua những chiếc máy bay 4 động cơ cuối cùng được sản xuất. "Các hãng thay đổi nhu cầu khi số lượng chặng bay cần đến một chiếc 4 động cơ là rất hiếm", Sash Tusa - nhà phân tích tại Agency Partners cho biết.
Air France, Lufthansa và Qatar Airways thuộc nhóm các hãng đang cân nhắc có nên hạ cánh A380 vĩnh viễn hay không. Agency Partners ước tính A380 tiêu tốn của Airbus 23 tỷ USD. Airbus chỉ bán được 251 chiếc và không đạt được hiệu quả khi sản xuất ở quy mô lớn.
Tú Anh (theo Bloomberg)