Boeing đang gặp áp lực chồng chất sau loạt sự cố về chất lượng và an toàn bay. Hôm 5/1, chiếc 737 MAX 9 của Alaska Airlines hạ cánh khẩn cấp vì bung tấm bịt cửa ở độ cao 5.000 mét. Ba ngày sau, United Airlines phát hiện loạt máy bay 737 MAX 9 bị lỏng ốc trong quá trình kiểm tra sơ bộ.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu 171 chiếc 737 MAX 9 ở Mỹ dừng hoạt động để kiểm tra và bảo trì. Các hãng bay cũng phải hủy hàng trăm chuyến và đối mặt nguy cơ chậm nhận máy bay trong tương lai.
Các diễn biến này đang đe dọa tình hình tài chính của Boeing. Tính từ quý II/2019 - thời điểm xảy ra tai nạn chết người với 737 Max khiến dòng này bị cấm bay 20 tháng, Boeing đã ghi nhận khoản lỗ hoạt động lên tới 31,9 tỷ USD. Lỗ ròng từ đó đến nay là 27 tỷ USD.
Số liệu của FactSet cho thấy không công ty nào trong chỉ số S&P 500 mất tiền nhiều như vậy trong 5 năm. Khoản lỗ khổng lồ còn khiến khối nợ của công ty tăng vọt, từ 13 tỷ USD cuối năm 2018 lên 48 tỷ USD hiện tại.
Nếu lỗ thêm, xếp hạng trái phiếu của công ty này có thể lần đầu bị hạ xuống mức ‘rác" - mức không khuyến khích đầu tư. Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Ratings gần đây cảnh báo kể cả tình hình tài chính có cải thiện, dòng tiền của Boeing cũng không đủ trả khoản nợ 4,3 tỷ USD đáo hạn năm 2025 và 8 tỷ USD năm 2026. Moody’s dự báo Boeing phát hành thêm trái phiếu mới để bù vào phần hụt này.
Dù vậy, khi được hỏi về vấn đề này, Giám đốc Tài chính của Boeing Brian West cho biết: "Chúng tôi cam kết quản lý tài chính thận trọng, với hai mục tiêu. Một là ưu tiên giữ mức xếp hạng tín nhiệm. Và hai là bình ổn hoạt động tại các nhà máy và chuỗi cung ứng", ông nói.
Các lãnh đạo của Boeing cho biết họ đang tập trung khắc phục các vấn đề về an toàn và chất lượng, hơn là tìm lợi nhuận. Họ khẳng định tình hình tài chính của công ty cũng không u ám như dự báo ban đầu.
"Điều quan trọng là nhân viên và các bên liên quan đều hiểu tương lai của Boeing vẫn rất hứa hẹn. Nhu cầu máy bay vẫn rất lớn. Nhân sự của chúng tôi cũng có chất lượng hàng đầu. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi tự hào với đội ngũ của mình và tự tin vào tương lai của Boeing", CEO Boeing Dave Calhoun cho biết trước các nhà đầu tư tháng trước.
Dù vậy, điều này không đồng nghĩa các vấn đề của Boeing không nghiêm trọng. Các sự cố về an toàn đã khiến niềm tin của hành khách vào máy bay Boeing lung lay. Giới chức cũng đã vào cuộc điều tra. Nhiều hãng hàng không cũng gặp rắc rối lớn vì thiếu máy bay. Kể cả từ trước khi sự cố với Alaska Airlines diễn ra, Boeing cũng đang tụt lại đằng sau đối thủ Airbus về số đơn hàng mới và đã giao.
Tuy nhiên, Boeing có hai lợi thế mà nhiều công ty khác không có.
Một là các hãng hàng không đã đặt hàng máy bay Boeing không thể hủy đơn. Đối thủ lớn nhất của hãng hiện tại là Airbus. Giả sử tất cả khách hàng của Boeing đều chuyển sang Airbus, họ cũng phải chờ 10 năm nữa mới nhận được hàng. Vì Airbus hiện chỉ có khả năng bàn giao 800 máy bay năm nay. Trong khi đó, họ đang có số đơn hàng lên tới hơn 8.000 chiếc.
Boeing cùng Airbus hiện vẫn là hai hãng sản xuất máy bay thống trị thế giới. Điều này đồng nghĩa Boeing vẫn có thể sản xuất và bán sản phẩm trong nhiều năm tới, dù đang quay cuồng trong các vấn đề nghiêm trọng.
"Với quyền lực trong ngành và vị thế của chính ngành sản xuất máy bay, Boeing có dư dả thời gian để giải quyết các vấn đề. Ngành này có rào cản gia nhập cao nhất và nhu cầu sản phẩm luôn rất mạnh. Dù vậy, tôi vẫn cho rằng Boeing đã lãng phí quá nhiều thời gian", Richard Aboulafia - Giám đốc tại AeroDynamic Advisory nhận định
Kể cả có hãng sản xuất máy bay mới muốn gia nhập thị trường, công ty này cũng phải mất nhiều năm và hàng tỷ USD mới ra được sản phẩm được cấp phép trên toàn cầu. Ví dụ, máy bay C919 của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) được phát triển để cạnh tranh với Airbus và Boeing. Tuy nhiên, máy bay này chỉ mới hoạt động tại Trung Quốc và có thể mất nhiều năm nữa mới được châu Âu cấp phép.
Hai là kể cả nếu nhận được máy bay Airbus sớm, chi phí để một hãng bay vốn dùng toàn Boeing vận hành thêm máy bay hãng khác cũng là khổng lồ. Phi công chỉ được điều khiển loại máy bay họ được cấp phép. Các hãng hàng không cũng sẽ phải tích trữ linh kiện của máy bay mới. Vì thế, khi đã chọn một loại máy bay, như 737 Max, việc bổ sung máy bay của hãng đối thủ sẽ rất đắt đỏ.
Boeing hiện vẫn còn các đơn hàng hơn 5.600 máy bay thương mại chưa hoàn thành, với tổng trị giá 529 tỷ USD. Số đơn này đủ giúp họ hoạt động thêm nhiều năm nữa. Vấn đề là Boeing đang giảm tốc sản xuất để giải quyết vấn đề chất lượng. Điều này khiến họ khó làm đủ máy bay một năm để có lãi.
Boeing cũng phải tìm cách để vượt lên Airbus. Đó là lý do việc ai sẽ là lãnh đạo kế tiếp của Boeing rất được quan tâm. Calhoun hồi tháng 3 thông báo sẽ rời chức CEO Boeing cuối năm nay. Ông cho biết đã có ứng viên nội bộ, nhưng chưa công bố. Một số nhà phân tích thì cho rằng Boeing nên chọn lãnh đạo từ bên ngoài, để thổi làn gió mới vào công ty.
"Đây là một chặng đường dài, có thể lên tới cả thập kỷ. Tuy nhiên, thay lãnh đạo là bước đầu tiên để giải quyết các vấn đề hiện tại", Aboulafia nói.
Nếu không thể đảo ngược tình hình, khoảng cách mà Airbus tạo ra với Boeing trong 5 năm qua có thể trở thành vĩnh viễn. Thế độc quyền trong ngành cũng không đủ để bảo vệ Boeing trong dài hạn.
"Hãy nghĩ đến trường hợp của GM. Họ từng thống trị ngành ôtô như thế nào, và giờ lợi thế đó không còn nữa. Nếu không làm gì khác, miếng bánh của họ sẽ ngày càng bé lại. Điều đó thực sự đang diễn ra rồi", Ron Epstein - nhà phân tích tại Bank of America nhận định.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)