Trận động đất Kanto và giấc mộng xe Nhật
Trận động đất Kanto – khu vực trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của Nhật - năm 1923 là một bước ngoặt với Kiichiro Toyoda, không chỉ vì những đau thương nó mang tới mà còn vì những thay đổi nhận thức của người Nhật về ôtô. Khi hệ thống đường sắt của Nhật bị tàn phá nặng nề do trận động đất, ôtô bỗng đóng vai trò quan trọng.
Những chiếc ôtô đã cứu được rất nhiều người lẽ ra đã mất mạng trong các đám cháy do động đất. Xe tải được sử dụng rộng rãi để dọn dẹp tàn tích cũng như phục vụ đắc lực cho công cuộc tái thiết nước Nhật. Chiếc ôtô trước đây vốn được coi như biểu tượng của sự xa xỉ, giờ là công cụ đi lại tiện ích, linh hoạt.
Quá trình tái thiết nước Nhật sau trận động đất lịch sử khiến nhu cầu xe tải tại Nhật lên rất cao. Chính quyền Tokyo đặt hàng 800 xe tải từ hãng Ford của Mỹ. Những chiếc xe này sau đó được chỉnh sửa để có chức năng hoạt động như xe bus. Các hãng xe Mỹ đã đánh bại các hãng châu Âu để giành được thị trường Nhật khi đó, đơn giản bởi họ có thể sản xuất được nhiều xe với số lượng lớn chỉ trong 3 tháng, giá lại rẻ hơn xe châu Âu 20-30%.
Khi trận động đất diễn ra, nhà sáng lập Toyota tương lai đang có cuộc gặp với một người bạn thời đại học có tên Hideo Kobayashi, người có nhiều hiểu biết về thực trạng ngành ôtô Nhật. Họ nói về việc khi đó, năm 1929-1934, hai hãng xe General Motors và Ford của Mỹ gần như độc quyền nắm thị trường Nhật. Hai hãng này thậm chí thành lập cả nhà máy tại Osaka và Yokohama. Chứng kiến quá trình trên, hai người bạn không khỏi cảm thấy "đau lòng".
10 năm sau cuộc gặp đó, bộ phận phát triển ôtô thuộc doanh nghiệp Toyoda Automatic Loom Works chính thức ra đời. Toyoda Automatic Loom Works là doanh nghiệp dệt tự động có quy mô hàng đầu nước Nhật của gia tộc Toyoda.
Năm 1933, khi bộ phận phát triển ôtô thuộc Toyoda Automatic Loom Works được thành lập, ngành ôtô Nhật gần như thuộc về các công ty Mỹ. Để chuẩn bị, Kiichiro đã cử giám đốc Risaburo Oshima sang Mỹ và châu Âu vào tháng 6/1933 để mua các máy móc và công cụ cần thiết cho hoạt động sản xuất dựa trên nghiên cứu từ trước đó. Oshima cùng với giám đốc Rizo Suzuki sang Mỹ nhiều tháng và trở về vào tháng 3/1934 cùng với những gì cần thiết.
Trong thời gian này, Kiichiro đã nghiên cứu để ra thiết kế của dòng xe riêng. Ông muốn sản xuất loại xe mà người tiêu dùng có thể dùng phụ tùng của Ford và Chevrolet vốn rất thịnh hành ở Nhật khi đó để thay thế. Ông học tập thiết kế động cơ cơ bản từ Chevrolet và nghiên cứu khung gầm xe tải của Ford. Với xe thông thường, ông học theo thiết kế bộ khung và khung gầm của dòng Chrysler DeSoto.
Vì công ty không có kinh nghiệm với ngành ôtô, Kiichiro đã quyết định chiêu mộ nhân tài là những người từng làm việc cho các hãng lớn của Mỹ như General Motors hay Nippon Air Brake. Nhóm nghiên cứu đã mua nhiều xe Mỹ chỉ để "mổ" rời chúng ra nghiên cứu. Takatoshi Kan có thêm một chuyến đến Mỹ từ tháng 1 đến tháng 7/1934 để nghiên cứu về kinh nghiệm sản xuất ôtô trên quy mô lớn. Trong 7 tháng này, ông đã ghé thăm 130 nhà máy, 7 cơ sở nghiên cứu và 5 trường đại học để tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển dây chuyền sản xuất ôtô của Mỹ.
Hãng bắt đầu sản xuất năm 1934, sản lượng xe hàng tháng được giới hạn chỉ 200 chiếc. Khi sản xuất đi vào ổn định, Toyoda bắt đầu tính đến phát triển mạng lưới bán hàng. Ngày 8/12/1935, công ty Hinode Motors khi đó đang là nhà phân phối xe nhập khẩu lớn của Nhật chính thức ngừng bán xe cho GM để chuyển sang phân phối xe của Toyoda. Sau đó nhiều công ty nội địa Nhật cũng có quyết định tương tự.
Đến tháng 10/1936, Toyoda đổi tên thành Toyota bởi nó phù hợp hơn với tâm lý công chúng - việc cần thiết cho quảng bá thương hiệu. Hơn nữa, chữ Toyota (トヨタ) chỉ có 8 nét so với 10 nét của Toyoda (トヨダ ). Theo quan niệm truyền thống của người Nhật, số 8 mang lại sự may mắn. Nó tượng trưng cho sự lớn mạnh không ngừng, trong khi đó số 10 là một số tròn, không còn chỗ cho sự phát triển. Tháng 4/1937, Toyota mới chính thức được đăng ký bản quyền thương mại. Trong suốt chiều dài lịch sử, Toyota - hãng xe đứng đầu về doanh thu tại Nhật (tính đến hết năm tài khóa 2019) - luôn là "niềm tự hào" của đất nước mặt trời mọc.
Những thừa hưởng từ người cha
Nhà sáng lập Kiichiro Toyoda sinh năm 1894 tại tỉnh Shizuoka. Kiichiro Toyoda là kiểu người khi đến bất cứ nhà máy nào của Mỹ có thể ngay lập tức vận hành được máy móc của họ dù trước đó chưa từng thao tác trực tiếp. Ông có năng lực này nhờ tuổi thơ được tìm hiểu đủ ngóc ngách ở các nhà máy mà cha ông quản lý khi trước.
Việc được tiếp xúc nhiều với máy móc của cha đã giúp Kiichiro từ khi còn bé đã hiểu được cách vận hành và tạo nền tảng cho tinh thần "genchi genbutsu" (đi tận gốc vấn đề). Quan điểm này lý giải một phần cho cách hoạt động của Toyota ngày nay. Ông lớn lên chứng kiến người ta thiết kế, chế tạo và sửa máy xung quanh mình.
Kiichiro Toyoda đã gây dựng nên Toyota. Nhưng khi nhắc tới hãng xe này, người ta không thể quên cha ông - Sakichi Toyoda - người đã giúp Kiichiro hình thành niềm đam mê tự động hóa và cũng là người đã xây dựng doanh nghiệp dệt gia đình, nơi sinh ra bộ phận chế tạo ôtô Toyota năm xưa.
Cha ông sinh năm 1867, đúng năm đánh dấu sự khởi đầu của một nước Nhật hiện đại. Ngày 14/10/1867, vị tướng quân thứ 15 và cũng là tướng quân cuối cùng của thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa Yoshinobu Tokugawa thoái vị. Năm tiếp sau đó, thời kỳ Minh Trị Duy Tân của nước Nhật chính thức bắt đầu.
Cha ông phát minh ra nhiều thiết bị trong ngành dệt, nổi bật nhất là khung cửi tự động chạy bằng điện được vận hành theo nguyên tắc Jidoka (tự động hóa), máy móc sẽ ngừng hoạt động nếu có vấn đề xảy ra. Nguyên tắc này về sau trở thành một phần trong hệ thống sản xuất của Toyota.
Nhận bằng sáng chế cho máy dệt tay, Sakichi Toyoda không dừng lại ở đó mà muốn thiết kế máy dệt chạy điện. Tháng 8/1898, máy dệt chạy điện có tên Toyoda Power Loom được công bố. Cha ông đã có gần hai trăm bằng sáng chế công nghiệp do Nhật và 19 nước khác cấp, trong đó có nhiều liên quan tự động hóa.
Người cha Sakichi chịu nhiều ảnh hưởng từ cuốn sách "Tinh thần tự lực" của tác giả Samuel Smiles. Sách này từng bán rất chạy, đến hơn 1 triệu bản trong thời kỳ Minh Trị của Nhật. Qua cuốn sách này, người Nhật trong đêm trước của cuộc công nghiệp hóa nhằm thay đổi đất nước đã học hỏi được từ các tấm gương phương Tây. Hơn thế nữa, vào năm 1885, chính quyền Minh Trị thông qua Luật Bản quyền Nhật để khuyến khích sáng tạo và bảo vệ thành quả trí tuệ. Chính những yếu tố này đã thúc đẩy Sakichi vào con đường sáng tạo.
Tinh thần này cũng giúp người con Kiichiro tìm ra động lực phát triển độc lập cho Toyota sau này. Khi mới sản xuất xe, Toyota học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các nước phương Tây. Nhưng đây cũng là điểm yếu mà một nhà sáng lập như Kiichiro Toyoda phải đau đáu. Chỉ bằng cách phát triển công nghệ độc lập mới có thể mang đến sự tăng trưởng, có nghĩa là Toyota cần tạo ra cái gì đó mới, cần có động lực đổi mới riêng.
"Con đường dễ nhất là tận dụng thành quả mà người khác đã làm việc vất vả để có được rồi phát triển thành của mình, như cách mà chúng ta đã phụ thuộc vào phương Tây cho đến nay. Tất nhiên sẽ có những lúc phải học hỏi từ họ nhưng nếu cứ mãi mãi con đường ấy, chúng ta sẽ mất năng lực sáng tạo hơn nữa", Kiichiro Toyoda tâm sự với các cộng sự.
Biến suy nghĩ thành hành động, vào tháng 5/1936, ông lập trung tâm nghiên cứu tại Shibaura – Tokyo. "Ôtô là ngành nên đi đầu trong quá trình văn minh. Ngành này là sự tổng hợp kiến thức của rất rất nhiều người chứ không chỉ riêng một kỹ sư nào cả", ông nói.
Thập niên 1940 chứng kiến sự tăng trưởng và mở rộng thần kỳ của Toyota khi sản lượng xe tăng đều đặn qua các năm. Đến năm 1947, Toyota đã sản xuất 100.000 chiếc. Đồng thời, Toyota lập thêm rất nhiều doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo được sự độc lập trong sản xuất, không phụ thuộc vào bất kỳ bên nào.
Sự bành trướng của Toyota ra các thị trường bên ngoài thực sự bắt đầu vào năm 1957, Toyota trở thành hãng xe Nhật đầu tiên bước chân vào thị trường Mỹ với thương hiệu Toyota Crown. Thập niên 1960 chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc của Toyota khi hãng xe này lần lượt chinh phục thành công thị trường Australia và châu Âu. Doanh số xuất khẩu xe của Toyota chính thức cán mốc 1 triệu xe vào năm 1970 và từ thời điểm đó, họ điền tên mình vào bản đồ các hãng xe lớn của thế giới.
Diệu Thanh