Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 được Bộ Y tế ban hành ngày 14/7, thay thế phác đồ điều trị áp dụng hồi tháng 4 đến nay. Đây là lần thứ 6 sửa phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam, kể từ khi dịch xuất hiện.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, đợt dịch này, hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng một tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Gần 20% bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng khoảng 5-8 ngày. Phác đồ điều trị trước đây, thời gian này là 7-8 ngày.
Các biểu hiện nặng bao gồm viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện... Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có suy hô hấp, bệnh nhân sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
Căn cứ diễn biến bệnh lý, lần này, Bộ Y tế vẫn phân loại bệnh nhân Covid-19 thành 5 mức độ: Không triệu chứng, mức độ nhẹ với biểu hiện viêm đường hô hấp trên cấp tính; mức độ vừa với biểu hiện viêm phổi; mức độ nặng khi viêm phổi nặng và mức độ nguy kịch.
Trong nguyên tắc điều trị chung, Bộ Y tế thống nhất tất cả F0 có kết quả dương tính hoặc không có triệu chứng điều trị tại các buồng bệnh thông thường. Ca bệnh nặng, nguy kịch cần điều trị tại buồng hồi sức tích cực. Do bệnh Covid-19 hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, nên hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu trên cơ sở cá thể hóa cho từng trường hợp, đặc biệt các ca nặng.
Điểm đáng lưu ý trong phác đồ mới, Bộ Y tế chia tiêu chuẩn xuất viện thành 3 mức, thời gian điều trị ngắn nhất là 10 ngày. Cụ thể, bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm có xét nghiệm dương tính nếu thỏa mãn 2 điều kiện. Thứ nhất, không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm. Thứ hai có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) bằng phương pháp RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30). Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng sẽ được xuất viện ở ngày thứ 14 hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh cho đến khi đáp ứng đủ 2 điều kiện như nhóm 10 ngày.
Bộ Y tế cũng thay đổi cách theo dõi sau khi xuất viện. Theo phác đồ mới, sau khi về nhà, bệnh nhân tự theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày. Nếu cao hơn 38 độ trong 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào cần báo ngay cho cơ sở y tế để khăm khám và điều trị kịp thời.
Trong phác đồ lần 5 trước đây, Bộ Y tế quy chuẩn bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện khi điều trị ít nhất 14 ngày, có 2 lần xét nghiệm âm tính, mỗi lần cách nhau 48-72 giờ. Thời gian lấy mẫu lần cuối cùng cách thời điểm ra viện không quá 24 giờ.
Khi về nhà, bệnh nhân sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Riêng bệnh nhân tái dương tính tiếp tục cách ly tại nhà thêm 1 tuần (tổng là 21 ngày) và lấy mẫu xét nghiệm lần 3 tại ngày thứ 21.
Theo dõi 400 trường hợp tái dương tính, Bộ Y chưa ghi nhận ca nào lây ra cộng đồng. Do đó, Bộ Y tế cho rằng không cần cách ly người tái dương tính, xử lý ổ dịch như trước.
Bộ Y tế cũng quyết định giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, rút ngắn thời gian điều trị đối với bệnh nhân F0 không triệu chứng. Những thay đổi này được đưa ra trước bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh tại nhiều địa phương, tạo áp lực rất lớn cho công tác thu dung, điều trị.