Việc chi viện được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu chiều 6/12, khi họp với các tỉnh này trước bối cảnh số ca mắc, tử vong gia tăng.
Số ca nhiễm tại Cần Thơ đang tăng đột biến, với tổng số ca ghi nhận trên 30.000, thành phố hiện ở cấp độ dịch 3. Tây Ninh đến ngày 6/12 ghi nhận gần 50.000 ca, đang điều trị gần 15.000 trường hợp, trong đó có 173 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
An Giang, Sóc Trăng và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng báo động khi số ca mắc tăng cao, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ở cấp độ 3, 4.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá tình trạng ca nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng vì người dân tại nhiều địa phương không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, tâm lý lơ là, chủ quan...
"Khi số ca mắc gia tăng, đương nhiên bệnh nhân nặng sẽ tăng và con số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy cần nỗ lực để giảm số ca tử vong", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng lưu ý những nơi thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng chống dịch để kiểm soát số ca mắc.
Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các bệnh viện trung ương để hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vaccine để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà; hỗ trợ máy thở...
Bộ trưởng Long yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các bệnh viện tuyến trung ương trực tiếp hỗ trợ TP HCM và 10 tỉnh phía Nam. Các bệnh viện trong danh sách phân công phải nhanh chóng đưa thêm nhân lực vào các tỉnh này để đảm bảo phối hợp với địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 7/12 cử thêm một đoàn cán bộ y tế đến An Giang, Bệnh viện Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bệnh viện E hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương chi viện Sóc Trăng. Riêng Cần Thơ, Bộ trưởng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong điều trị.
"Bệnh viện tuyến trung ương phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ", ông Long yêu cầu.
Trong công tác điều trị, cần phân loại bệnh nhân, người có nguy cơ, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ giữa các tầng để quản lý, giám sát ca bệnh, chuyển tuyến kịp thời.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải sâu sát, khoa học và luôn đảm bảo "y tế phải gần dân nhất" thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động. Mỗi xã, phường có thể lập nhiều trạm y tế, tổ y tế lưu động để quản lý các F0 nguy cơ cao, sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời.
Bên cạnh đó, các địa phương phải ngay lập tức rà soát việc cung cấp oxy cho những cơ sở điều trị Covid-19, phải có hệ thống oxy bồn, máy thở phục vụ điều trị hồi sức cho bệnh nhân khi cần. Về máy thở, Bộ Y tế và các bệnh viện trung ương có thể hỗ trợ các tỉnh, nhưng chuẩn bị oxy y tế thì Bộ không thể làm thay địa phương.
Về thuốc điều trị, trong vài ngày tới, khi làm xong các thủ tục tiếp nhận thuốc viện trợ, Bộ Y tế sẽ cấp phát, phân bổ ngay cho địa phương.
Báo cáo của 5 địa phương này đều cho thấy tỷ lệ tiêm mũi 1 rất cao, đều trên 98%; mũi 2 trên 80%. Các tỉnh cũng đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ trong độ tuổi 12-17; đang triển khai tiêm mũi 2.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương, tuy nhiên Bộ trưởng nhắc các tỉnh, thành phố phải thực hiện chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà", trong đó lập danh sách tất cả những người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa tiêm vaccine để tiêm chủng.
"Có thể tổ chức các điểm tiêm lưu động, đến tiêm tại nhà cho các trường hợp nguy cơ cao để bảo vệ họ khỏi nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19", ông Long nói.