Theo đó, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc phòng chống Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả. Thuốc được quảng cáo không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng. Một số đơn vị "lợi dụng tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi".
Cục An toàn Thực phẩm đã nhiều lần cảnh báo tình trạng sản phẩm lợi dụng chiêu bài "điều trị Covid-19". Cục khẳng định "không có loại thực phẩm chức năng nào (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị Covid-19".
Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất kinh doanh, thuốc giả điều trị Covid-19. Hôm 31/8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội và Cục Cuản lý thị trường Hà Nội phát hiện hàng trăm hộp "thuốc điều trị Covid-19" không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở khai "không biết gì về y dược", mua các hộp thuốc "trôi nổi" với giá 100.000 đến hai triệu đồng, về rao bán giá gấp đôi để kiếm lời.
Giữa tháng 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và Buôn lậu (PC03) Công an TP HCM cũng triệt phá đường dây sản xuất thuốc trị Covid-19 giả ở Sài Gòn.
Trước tình trạng này, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý. Các cơ quan giám sát chất lượng thuốc lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc được yêu cầu tuân thủ quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giá thuốc dùng trong phòng chống dịch, "không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi".