Nhà nghiên cứu Deborah Hatswell đã bối rối khi nhận được đoạn video từ các thợ lặn làm việc trong ngành dầu khí, ghi lại việc phát hiện một bộ xương khổng lồ gần như nguyên vẹn ở độ sâu khoảng 830 m dưới mực nước biển. Chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân gần đây, cô hy vọng sẽ tìm được câu trả lời từ người xem.
Hatswell giải thích rằng các công nhân đã tình cờ bắt gặp bộ xương trong lúc thám hiểm đáy biển Trung Hải bằng thiết bị lặn điều khiển từ xa (ROV). Nó bao gồm các đoạn cột sống nằm thẳng hàng cùng một tập hợp các xương lớn hơn ở một đầu. Toàn bộ mẫu vật dài tới 30 m.
"Kích thước và cấu trúc của bộ xương không phù hợp với bất kỳ sinh vật biển nào trong khu vực", Hatswell nhấn mạnh. "Tôi đã xem xét các loài khả nghi như cá voi và cá mái chèo khổng lồ nhưng tất cả đều không trùng khớp".
Nhà nghiên cứu giải thích thêm rằng cá voi có ba lưỡi dẹt trên xương cột sống của nó, mỗi lưỡi cách nhau 120 độ, nhưng sinh vật này chỉ có hai. Cá mái chèo khổng lồ hay cá ruy băng - loài cá xương dài nhất còn tồn tại - cũng chỉ dài tối đa 11 m, trong khi mẫu vật này dài tới 30 m.
Chia sẻ trên tờ Daily Star, thợ lặn cho biết bộ xương có thể đã rất cổ xưa vì bên dưới nó có nhiều vò hai quai nhô ra khỏi bùn và chúng có thể đã ở đó trong hơn 1.000 năm. Trong đoạn video, người công nhân đã cố gắng thu thập mẫu xương bằng cách sử dụng cánh tay robot trên thiết bị lặn, nhưng nó rất giòn và vỡ vụn ngay khi chạm vào bề mặt.
Nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận sau khi xem video, trong đó có ý kiến cho rằng đây có thể là phần còn lại của một con Tylosaurus, chi bò sát biển khổng lồ tồn tại trong kỷ Phấn Trắng muộn cách đây 75 đến 86,5 triệu năm. Tuy nhiên, xương động vật tiền sử nếu còn tồn tại cho tới ngày nay thường chỉ được lưu giữ ở dạng hóa thạch.
Đoàn Dương (Theo Daily Star)