Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội kỳ này. Ông đăng đàn sáng nay với 38 câu hỏi đã được các đại biểu gửi tới từ trước và danh sách dài các đại biểu đăng ký chất vấn trực tiếp, xung quanh các vấn đề bức xúc trong dư luận như điện cắt không báo trước, chất lượng thủy điện chưa cao, đầu tư dàn trải, giá cả, an toàn của dự án bô xít sau sự cố bùn đỏ Hungary...
Bô xít Tây Nguyên là một trong những vấn đề được chờ đợi trong phần đăng đàn của người đứng đầu ngành Công Thương, nơi đang chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án quan trọng này. Tuy nhiên, mãi tới gần cuối phiên làm việc buổi sáng, vấn đề bô xít mới được các đại biểu đặt ra và cũng chỉ 2 đại biểu chất vấn với các câu hỏi không bất ngờ.
Chất vấn về hiệu quả kinh tế của dự án, đại biểu Vũ Quang Hải cho rằng khai thác bô xít và điều chế alumin chỉ có hiệu quả cao khi ở nơi đó thừa nước thừa diện. "Nhưng dường như chúng ta đang làm ngược lại. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng thì chưa yên tâm bởi dự án hồ bùn đỏ ở trên cao và độc tính hồ bùn đỏ rất lớn, ngửi phải hơi bùn đỏ đã có thể ung thư rồi. Vì vậy, ông yêu cầu Bộ trưởng Hoàng cho biết rõ hơn về khâu chống thấm cũng như cách xử lý, trung hòa PH trong dung dịch bùn đỏ sao cho đảm bảo an toàn. "Xin hỏi Bộ trưởng làm sao bảo đảm được an toàn cho quá trình vận chuyển khối lượng dung dịch có PH cao hơn 11 cho đến 13, dung dich này có ăn mòn các đường ống dẫn hay không? Làm sao để tách nước ra bằng cách để thu hồi được kiềm tái sử dụng", ông Dũng đưa ra câu hỏi khá kỹ thuật. Đại biểu Dũng cũng tỏ ra lo ngại về nguy cơ phá hoại đập hồ bùn đỏ bởi các thế lực thù địch khi các hồ này còn tồn tại tới vài chục năm nữa.
"Bộ trưởng cho biết sẽ tăng nguồn thu từ trồng rừng, trồng cây công nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tôi thấy hoàn toàn không khả thi vì vùng đất này không phải vùng đất bazan thì làm sao trồng cây công nghiệp được, lại xa xôi như vậy thì lấy gì tin tưởng khả năng thu hồi từ du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nói vì lợi ích địa phương để hy sinh hiệu quả kinh tế tôi thấy chưa thuyết phục, nhân lực được huy động sẽ không nhiều mà độc hại thì nhân dân địa phương sẽ chịu đựng", ông Dũng gay gắt.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không mất nhiều thời gian để giải đáp thắc mắc của hai đại biểu trên. Liên quan đến các câu hỏi của đại biểu Vũ Quang Hải về tính hiệu quả của dự án bô xít, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng việc đặt nhà máy ở đâu đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên nhiều yếu tố, kinh tế chính trị xã hội. Nếu thuần túy về mặt kinh tế thì việc đặt nhà máy chế biến alumin ở vùng biển là thuận tiện nhất. "Tuy nhiên, người dân Tây Nguyên, Lâm Đồng đã hiến đất, hy sinh lợi ích của mình cho dự án, họ phải được hưởng lợi ích mà dự án mang lại, đầu tiên là vấn đề công ăn việc làm, tạo nguồn lao động. Do vậy, không thể chỉ đặt lợi ích kinh tế", ông Hoàng nói thêm.
Về nguy cơ xảy ra phá hoại hồ bùn đỏ bởi các thế lực thù địch, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã có tờ trình với Quốc hội, đề nghị xem bô xít Tây Nguyên là công trình quan trọng về an ninh quốc gia. "Đối với công trình quan trọng về an ninh quốc gia chắc chắn các biện pháp để đảm bảo bảo vệ an toàn sẽ cao hơn, nghiêm ngặt hơn đối với các quy hoạch khác", ông khẳng định.
Riêng câu hỏi về vấn đề chống thấm và xử lý độc tính trong dung dịch hồ bùn đỏ của đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Bộ trưởng Hoàng xin khất vì nội dung này quá kỹ thuật. "Thực ra có nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật, tôi xin lỗi là mình cũng không thông thạo lắm trong lĩnh vực này, tôi xin trả lời cụ thể đại biểu sau, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia", ông thành thật.
Không chỉ về bô xít, nhiều nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dường như không đáp ứng được các vấn đề mà đại biểu quan tâm. Suốt một giờ đồng hồ buổi sáng, ông Hoàng đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi lại và yêu cầu được làm rõ thêm.
Đầu giờ chất vất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được dành 15 phút để trình bày bản báo cáo ngắn gọn về các vấn đề mà đại biểu, cử tri đặt ra từ trước phiên họp. Trong từng câu chữ, ông không quên gửi gắm một số thành tích mà ngành đã đạt được, bên cạnh một số hạn chế mà ông hứa sẽ khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - đoàn Hải Phòng cảm thấy sốt ruột trước bản báo cáo không có gì mới so với các phiên họp lần trước. Ông đề nghị Bộ trưởng làm rõ ba vấn đề cơ bản đó là: thiếu điện, nhập siêu tăng cao, và giá nhiều loại hàng hóa đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Số liệu của tháng 7 cho thấy, nhập siêu lên tới con số 1,07 tỷ đôla Mỹ, con số này nói lên điều gì và nó tác động như thế nào đến mục tiêu kiểm soát nhập siêu của Chính phủ?
"Tôi muốn biết, từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng sốt giá đang ngày càng ảnh hưởng sâu đến doanh nghiệp và đại bộ phận đời sống người dân", đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Ông Vinh vừa dứt lời, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn Ninh Thuận bổ sung thời gian qua tình hình mưa lũ đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân mà theo bà các công trình thủy điện cũng "góp công" phần đáng kể. Tuy nhiên, giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rất chung chung và không căn cứ vào các con số khi cho rằng lũ lụt như vậy không liên quan đến thủy điện. Trong khi, các công trình thủy điện được xây dựng tràn lan mà nhiều nhà khoa học đã đánh giá đây là sự thách thức với thiên nhiên và một trong số nguyên nhân gây lũ lụt.
"Cử tri rất bức xúc, tôi muốn biết ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?", bà Hương chốt lại, sau khi trình bày các luận cứ dài đến hơn một trang giấy.
Cùng liên quan đến vấn đề điện lưới, đại biểu Vũ Quang Hải - đoàn Hưng Yên cho rằng, rất nhiều công trình, dự án điện đang chậm tiến độ, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về việc chọn lựa nhà thầu kém. Ông Hải đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình về điều này, đồng thời nói rõ lý do vì sao VN đang xây dựng và vận hành sơ đồ điện VI. Thời gian vận hành còn khá xa, thế nhưng ngành điện đã bàn tới sơ đồ điện VII. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm.
Ý kiến của ông Hải cũng trùng với quan điểm của Đại biểu đoàn Hà Nội - Phạm Thị Loan. Bà Loan cho rằng rất nhiều công trình hiện nay có bàn tay can thiệp của nhà thầu Trung Quốc. Dự án sử dụng thiết bị lạc hậu, thiếu an toàn, cho thấy hệ thống thầu của Việt Nam có vấn đề.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không trực tiếp trả lời thẳng vào vấn đề mà dẫn giải một loạt con số mà ngành điện đã đạt được, nguyên nhân chậm tiến độ các dự án điện, việc thiếu vốn, giá điện chưa phản ánh chi phí khiến cho ngành này không có tích lũy. Ông Hoàng cho rằng việc xây dựng sơ đồ điện VII khi sơ đồ điện VI đang vận hành không liên quan đến lợi ích nhóm mà đơn giản chỉ là muốn khởi động đề án sớm hơn. Sự chuẩn bị kỹ càng từ trước sẽ khiến các công đoạn thực hiện được tốt và hiệu quả hơn.
Người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định các dự án này đều được mở thầu theo đúng quy định của Luật và các đơn vị tham gia tuân thủ theo yêu cầu đề bài đưa ra. Do vậy, không thể nói việc mở thầu và chấm thầu có vấn đề, có chăng là các quy định của Luật Đấu thầu chưa rõ ràng.
Ý kiến của ông Hoàng lập tức vấp phải sự phản bác của nhiều đại biểu. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc không nén nổi bức xúc đã đứng lên nói thẳng: "Hầu hết các dự án điện đều chậm tiến độ, cái chậm 2 năm cái chậm 4 năm. Tôi cho rằng thiết bị kỹ thuật có vấn đề, chọn nhà thầu chưa tốt, năng lực nhà đầu tư có vấn đề".
"Tôi khẳng định quy hoạch phát triển phù hợp, Luật không có lỗi chỉ có năng lực chúng ta kém mà thôi", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói thêm.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói thẳng: "Xin lỗi đại biểu Hương, tôi đã kiểm tra công văn đi đến và không thấy bất cứ câu hỏi trực tiếp nào liên quan đến vấn đề trên. Cá nhân tôi cũng chưa có ý kiến nào phủ nhận việc lũ lụt không liên quan đến thủy điện ở miền Trung vừa qua".
Ông Hoàng nhấn mạnh: "Lũ lụt làm đảo lộn đời sống người dân, tôi rất chia sẻ nhưng phải nhìn nhận dưới góc độ nhiều nguyên nhân. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Tôi xin khẳng định nếu các thủy điện tuân thủ đầy đủ các quy định sẽ hạn chế tối đa các thiệt hại".
Theo ông Hoàng, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát các thủy điện trên toàn quốc và kiên quyết dừng hoặc bãi bỏ các dự án kém hiệu quả có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả kinh tế xã hội.
Về vấn đề nhập siêu, giá cả hàng hóa biến động ông Hoàng cho rằng Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt để giữ con số dưới 20% theo yêu cầu của Chính phủ. Các ban ngành cũng đã nỗ lực kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá, cân đối cung cầu để tránh sự khan hiếm đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề không thể đừng như tình hình gian lận thương mại diễn biến phức tạp, vi phạm về giá tăng cao. Bộ Công Thương đang chỉ đạo kiểm soát chặt và hứa sẽ giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Ông Hoàng cho biết việc nhập siêu cao cũng có lý do rất xác đáng là: Việt Nam vẫn trong quá trình xây dựng, phát triển, việc nhập khẩu thiết bị mà trong nước chưa sản xuất được là việc không thể tránh. Hiện nay, ngành dệt may đang đặt tham vọng con số xuất khẩu 11 tỷ đôla. Để đạt con số này, VN phải nhập tới 60% nguyên vật liệu, trong nước chỉ đáp ứng được 40%. "Tôi cho rằng nhập siêu hiện nay chủ yếu là các nguyên vật liệu mà sản xuất trong nước không đáp ứng được. Các mặt hàng không thiết yếu khác như điện thoại di động, ôtô hóa mỹ phẩm chỉ chiếm khoảng 0,7%", ông Hoàng nói thêm.
Hồng Anh