Cuối năm ngoái, thị trường chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá có kết quả cao gấp nhiều lần. Dù kết quả đấu giá đất cao có thể góp phần bổ sung vào ngân sách địa phương, một số trường hợp trúng giá cao bất thường so với giá khởi điểm bị đánh giá rủi ro, tác động đến thị trường mà trong đó vụ việc tại Thủ Thiêm là ví dụ điển hình. 4 lô đất tại đây có giá trúng cao gấp 7 lần so với khởi điểm, cá biệt lô đất được Tập đoàn Tân Hoàng Minh thắng thầu có giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2.
Theo nhận định được Bộ Xây dựng đưa ra ngày 28/1, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất này đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm. Giá rao bán các dự án tại khu vực này sau kết quả trúng thầu đã đồng loạt tăng. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, giao dịch thực tế tại khu vực này lại rất ít.
Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, cơ quan này cho biết, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại. Phía Tân Hoàng Minh chiều qua cũng xác nhận Công ty Bất động sản Ngôi sao Việt (đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh và trực tiếp tham gia đấu giá) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Chính Bộ Xây dựng cũng từng nhận định, đấu giá đất cao chỉ là một yếu tố tác động đến hiện tượng bất động sản sốt nóng.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC cho biết, giá đất không có dấu hiệu hạ nhiệt từ khi Tân Hoàng Minh đánh tiếng xin bỏ cọc cho đến lúc chính thức nộp đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 3.12 với TP HCM.
Ông đánh giá, thị trường bất động sản Thủ Thiêm nói riêng và TP HCM cùng các vùng phụ cận nói chung chưa có động thái điều chỉnh giá nào đáng kể sau khi đã thiết lập mặt bằng giá mới từ sự kiện phiên đấu giá đất Thủ Thiêm lập đỉnh.
Thị trường bất động sản đang phụ thuộc nhiều vào bên bán và tâm lý giữ giá cao hoặc tăng giá thêm đã bị phiên đấu giá đất Thủ Thiêm tác động nặng nề. Cấu trúc giá nhà cũng bị ảnh hưởng khi tất cả các phân khúc nhà ở vốn đã neo ở giá cao trong những năm trước đều sẽ đối mặt với tình trạng tăng vọt do tác động của giá đất leo thang trong quý IV/2021 vừa qua.
Nếu xét ở khía cạnh giá nhà đất liên tục tăng cho thấy thị trường không có sự ổn định. Còn xét ở khía cạnh thanh khoản, thị trường đã giảm tốc và chịu nhiều thách thức lớn khi giá tăng.
Theo quan điểm của ông Nghĩa, đại dịch Covid-19 và diễn biến đấu giá đất Thủ Thiêm trong năm 2021 vừa qua để lại nhiều hệ lụy cho thị trường trong năm 2022 khi các điểm yếu thị trường bộ lộ ngày càng nhiều. Các kẽ hở pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá cũng như việc sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thị trường bất động sản có độ trễ 6-9 tháng cho thấy phải mất thêm nhiều thời gian tìm lại sự ổn định sau những vòng xoáy bất ổn thời gian qua.
Đức Minh - Trung Tín