Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trong buổi làm việc với các bộ, ngành về phương án sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu vừa diễn ra.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà cho biết giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu đối với 16 doanh nghiệp (gồm 12 tổng công ty - công ty cổ phần và 4 tổng công ty - công ty TNHH một thành viên) mà trọng tâm là kết thúc cổ phần hóa và tiếp tục thoái vốn.
Bộ Xây dựng hiện còn 16 doanh nghiệp trực thuộc bao gồm Tổng công ty DIC, Sông Hồng, Bạch Đằng, VIGLACERA, VIWASEEN, Xây dựng Hà Nội, LICOGI, LILAMA, CC1, FICO, VNCC, COMA, HUD, Sông Đà, IDICO và VICEM.
Ông Hà cho rằng việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ giai đoạn 2011-2015 tiến độ thực hiện còn chậm, chưa nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tỉ lệ vốn Nhà nước còn nhiều. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Bộ Xây dựng đã không để xảy ra thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Trong giai đoạn 2016-2020, người đứng đầu ngành xây dựng cho biết sẽ đề xuất giữ nguyên tỉ lệ vốn Nhà nước như hiện tại ở LICOGI và chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ quý I/2017.
Nhóm 5 tổng công ty LILAMA, VICEM, Sông Đà, Viglacera, HUD do nắm giữ khối tài sản lớn hay đã và đang tham gia xây dựng các công trình trọng yếu quốc gia sẽ thoái bớt vốn để Nhà nước giữ chi phối 51% đến hết năm 2020. Từ năm 2021 sẽ thoái tiếp theo quy định và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Nhóm 10 tổng công ty-công ty cổ phần còn lại cần thời gian hoàn tất công tác cổ phần hóa, quyết toán vốn Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn về mức 36% hoặc Nhà nước không nắm giữ và chuyển giao về SCIC trong các năm 2018-2019.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đối với 10 tổng công ty-công ty cổ phần thì Bộ Xây dựng phải bán hết vốn Nhà nước vào năm 2018. Doanh nghiệp nào còn giữ 36% vốn thì phải báo cáo Thủ tướng. Đối với nhóm 5 tổng công ty nói trên thì chậm nhất năm 2019 phải thoái vốn xuống còn dưới 51%.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đốc thúc các doanh nghiệp đã IPO rồi thì thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định.